Người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng một số công ty có hành vi nhằm trốn tránh việc nộp tiền bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Vậy công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, nên làm gì? Đây cũng là nội dung mà Luật Ba Đình muốn gửi tới bạn đọc.
I. Bảo hiểm xã hội là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xa hội 2014 quy định:
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
II. Công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Nên làm gì ?
Việc công ty không đóng BHXH cho nhân viên dẫn đến nhiều hệ lụy cho người lao động. Người lao động sẽ không nhận được trợ cấp thất nghiệp trong những thời điểm khó khăn. Hoặc không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất. Vậy nhân viên cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về khiếu nại về bảo hiểm xã hội. Cụ thể:
Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Vì vậy, khi phát hiện công ty không đóng BHXH cho nhân viên, người lao động có thể thực hiện khiếu nại. Trình tự khiếu nại như sau:
1. Khiếu nại tới Ban Giám đốc công ty, tổ chức công đoàn của công ty.
Thời hiệu khiếu nại được quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP. Cụ thể:
Người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH. Thời hạn là trong vòng 180 ngày, kể từ ngày phát hiện công ty không đóng BHXH cho mình,
2. Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, người lao động có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Căn cứ theo Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì trong 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
3. Yêu cầu hòa giải thông qua hòa giải viên (không bắt buộc).
Người lao động có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp. Thời hạn là trong vòng 06 tháng. Kể từ ngày phát hiện công ty không đóng BHXH. Căn cứ theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật lao động 2019.
4. Khởi kiện đến tòa án nhân dân.
Người lao động được khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đặt trụ sở trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể:
- Trường hợp cơ quan không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
III. Công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên bị xử phạt như thế nào?
Theo Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của công ty là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, công ty có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Biện pháp xử phạt hành chính khi công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên.
Công ty không đóng BNXH có thể bị phạt tiền tùy theo từng trường hợp được quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
- Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
- Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
- Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.
– Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý hình sự khi công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên.
Trường hợp nếu hành vi trốn đóng BHXH đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng. Hay cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm.
Việc tham gia BHXH gắn liền với quyền lợi của người lao động. Để bảo vệ quyền lợi, người lao động cần chủ động theo dõi quá trình tham gia BHXH của mình. Khi có sự việc liên quan đến BHXH, người lao động có thể liên hệ với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Hay tổ chức công đoàn hoặc luật sư để được giúp đỡ.
Trên đây là bài tư vấn của Luật Ba Đình. Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.