Giấy chứng nhận ISO 22000 là gì? Đây là câu hỏi dành được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với các cơ sở đang có hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm. Đối với lĩnh vực thực phẩm, việc đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng tránh các mối nguy hại tiềm ẩn là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Một cơ sở sản xuất, chế biến đáp ứng được những điều kiện này không chỉ tạo niềm tin với người tiêu dùng mà còn đảm bảo hoạt động phù hợp với sự quản lý của nhà nước. Vậy, chứng nhận ISO 22000 được áp dụng như thế nào? Chứng nhận ISO 22000 có giá trị thay thế được giấy phép an toàn thực phẩm hay không?
Ở bài viết này, Luật Ba Đình hy vọng có thể phần nào giải đáp được những vướng mắc của khách hàng liên quan tới nội dung trên.
I. GIẤY CHỨNG NHẬN ISO 22000 LÀ GÌ ?
1. Khái niệm về ISO 22000
ISO 22000 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn này được xây dựng và ban hành bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO).
ISO 22000 có tên đầy đủ là Food safety management systems – Requirements for any organization in the food chain (Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm – Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm). Vậy có thể hiểu, nội dung của ISO 22000 tập trung về khía cạnh an toàn thực phẩm.
Mục đích chính của chứng nhận ISO 22000 nhằm hướng tới đảm bảo khả năng kiểm soát mọi mối nguy hại đến thực phẩm của các đơn vị sản xuất và cung ứng. Trên thực tế, các mối nguy hại có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bắt đầu từ khâu tiếp nhận nguyên liệu, tiến hành nuôi trồng, thu hoạch. Tiếp đến là khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ bởi người tiêu dùng. Do đó, việc kiểm soát và ngăn ngừa các mối nguy hại trong từng giai đoạn sẽ đảm bảo tối đa sự an toàn của thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Và quan trọng hơn cả, chính là đảm bảo sức khỏe con người không chịu sự ảnh hưởng.
2. Hệ thống văn bản pháp luật quy định về hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000 và giấy chứng nhận ISO 22000
Như đã đề cập, ISO 22000 là tiêu chuẩn được xây dựng và ban hành bởi tổ chức quốc tế. Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, Việt Nam đã thiết lập những quy định liên quan tới ISO 22000. Cụ thể, hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000 và giấy chứng nhận ISO 22000 chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật sau đây:
– Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
– Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 22000:2018 (ISO 22000:2018) về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm – Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm.
3. Trường hợp nào cần xin cấp chứng nhận ISO 22000 ?
Xuất phát từ mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, ISO 22000 được áp dụng cho tất cả các cơ sở có liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ tiếp xúc với thực phẩm hoặc nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Cụ thể, Luật Ba Đình xin liệt kê một số lĩnh vực thực phẩm tiêu biểu có thể áp dụng chứng nhận ISO 22000:
– Thực phẩm chức năng.
– Doanh nghiệp chế biến rau, củ, quả, trứng, thịt sữa, thủy hải sản.
– Doanh nghiệp sản xuất nước tinh khiết, nước ngọt, cafe, rượu, bia.
– Doanh nghiệp sản xuất, chế biến gia vị.
– Các hãng vận chuyển thực phẩm.
– Doanh nghiệp sản xuất chế biến sẵn, nhà hàng.
– Hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
– Doanh nghiệp sản xuất bao gói thực phẩm.
– Trang trại trồng trọt và chăn nuôi.
Tuy nhiên, đây chỉ là một số lĩnh vực đặc trưng về thực phẩm. Ngoài những mục được kể đến trên đây, hiện nay còn rất nhiều lĩnh vực và sản phẩm khác về thực phẩm có thể xin cấp giấy chứng nhận ISO 22000. Do đó, các cơ sở có nhu cầu tiến hành thủ tục xin cấp chứng nhận ISO 22000 cần xem xét kĩ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình có liên quan tới an toàn thực phẩm không. Đồng thời, cần kiểm tra xem cơ sở có thuộc vào trường hợp chứng nhận hay không.

4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận ISO 22000
4.1. Về hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận ISO 22000
Để có thể tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận ISO 22000, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất như nhà xưởng, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, trang thiết bị, dụng cụ,…thì cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu cần thiết. Cụ thể như sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Lưu ý, ngành nghề mà cơ sở đăng ký phải liên quan tới lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đối với quyền sử dụng đất, nhà xưởng, mặt bằng tại nơi sản xuất, kinh doanh.
– Quy trình sản xuất, sổ tay chất lượng, sổ kiểm tra sản phẩm, mục tiêu chất lượng.
– Tài liệu mô tả về sản phẩm của nhà sản xuất.
– Hợp đồng và hóa đơn, chứng từ mua bán nguyên liệu phục vụ quá trình sản xuất thực phẩm.
– Bộ hồ sơ xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 cho cơ sở sản xuất thực phẩm. Đây là tài liệu quan trọng khi cơ sở muốn áp dụng và vận hành theo tiêu chuẩn ISO 22000. Bởi lẽ, đây sẽ được coi là căn cứ để đối chiếu các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đã đúng, đủ và phù hợp quy định hay chưa.
4.2. Bộ hồ sơ xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 cho cơ sở sản xuất thực phẩm
Về cơ bản, khi xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, cơ sở cần chuẩn bị bộ hồ sơ xây dựng tiêu chuẩn với các giấy tờ, tài liệu sau đây:
(i) Chính sách an toàn thực phẩm.
(ii) Sổ tay an toàn thực phẩm.
(iii) Các kế hoạch HACCP. Đây được hiểu là kế hoạch đảm bảo kiểm soát các mối nguy đáng kể đối với an toàn thực phẩm trong các công đoạn của chuỗi thực phẩm.
(iv) Bối cảnh của doanh nghiệp/tổ chức sản xuất, kinh doanh.
(v) Các quy phạm vệ sinh – SSOP (quy trình vận hành tiêu chuẩn vệ sinh). Cụ thể bao gồm: Vệ sinh nhà xưởng, kiểm soát nguồn nước. Vệ sinh bề mặt tiếp xúc, ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Vệ sinh cá nhân, bảo vệ sản phẩm không bị nhiễm bẩn. Kiểm soát hóa chất phụ gia, kiểm soát phương tiện và dụng cụ vệ sinh. Kiểm soát động vật gây hại, kiểm soát chất thải.
(vi) Các quy trình thực hành sản xuất tốt – GMP. Trong đó, cần giải trình cụ thể các công đoạn của quy trình sản xuất thực phẩm từ khâu tiếp nhận nguyên liệu, đến các quá trình sản xuất, lưu kho, đóng gói, giao hàng.
Điện thoại tư vấn: 0988931100 – 0931781100 -(024)39761078
(vii) Các quy trình xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Cụ thể:
- Quy trình đánh giá rủi ro và cơ hội.
- Quy trình quản lý sự thay đổi hệ thống an toàn thực phẩm.
- Quy trình quản lý các yếu tố phát triển bên ngoài hệ thống an toàn thực phẩm.
- Quy trình kiểm soát các quá trình, sản phẩm/dịch vụ được cung cấp từ bên ngoài.
- Quy trình theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá.
- Quy trình kiểm soát tài liệu và dữ liệu.
- Quy trình quản lý thiết bị.
- Quy trình triển khai sản xuất.
- Quy trình truy tìm nguồn gốc sản phẩm.
- Quy trình nhập xuất kho nguyên liệu và thành phẩm.
- Quy trình kiểm soát sản phẩm không phù hợp.
- Quy trình thẩm tra và thẩm định….
(viii) Các tài liệu hướng dẫn mô tả công việc. Bao gồm: hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm, hướng dẫn quản lý chất gây dị ứng trong thực phẩm, hướng dẫn quản lý dịch vụ (diệt côn trùng, sửa chữa máy móc, xử lý rác thải,…), các tài liệu hướng dẫn khác.
Bên cạnh những đầu mục giấy tờ chính được liệt kê trên đây, việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 còn cần chuẩn bị một số giấy tờ, tài liệu khác. Nếu Quý khách hàng cần tìm hiểu thêm về nội dung này, Luật Ba Đình sẽ tư vấn cho Quý khách hàng kĩ hơn về những tài liệu này.

4.2. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận ISO 22000
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ cần thiết, cơ sở sản xuất thực phẩm cần tiến hành theo quy trình sau đây để được cấp giấy chứng nhận ISO 22000.
Bước 1: Xác định và lựa chọn tổ chức chứng nhận phù hợp.
Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận ISO 22000 do các tổ chức được cấp phép đủ điều kiện chứng nhận thực hiện.
Bước 2: Gửi yêu cầu chứng nhận và trao đổi thông tin với tổ chức chứng nhận ISO.
Các thông tin được đề cập đến ở đây bao gồm:
- Các yêu cầu cơ bản của việc chứng nhận.
- Các bước tiến hành thủ tục chứng nhận.
- Tiêu chuẩn áp dụng.
- Các chi phí dự tính.
- Chương trình kế hoạch làm việc.
Việc trao đổi thông tin nhằm đảm bảo nội dung mà các bên tiếp nhận hoàn toàn thống nhất. Đồng thời, giúp phòng tránh các trường hợp ngoài ý muốn có thể xảy ra. Điều này sẽ đảm bảo việc đánh giá chứng nhận được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn quy định và mong muốn của cơ sở.
Bước 3: Đánh giá sơ bộ hồ sơ.
Cơ sở sẽ gửi tới tổ chức chứng nhận hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký chứng nhận, các kế hoạch ISO 22000, các tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc áp dụng ISO 22000.
Tổ chức chứng nhận sẽ phân công chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng để tiến hành đánh giá tình trạng thực tế của hồ sơ ISO 22000. Từ đó, phát hiện ra những thiếu sót của văn bản tài liệu và việc áp dụng hệ thống ISO 22000 tại thực địa. Sau khi kiểm tra và đánh giá sơ bộ, các chuyên gia sẽ chỉ ra những vấn đề về hồ sơ tài liệu và thực tế áp dụng ISO 22000 cần điều chỉnh. Cơ sở sẽ căn cứ vào những đánh giá sơ bộ này để tiến hành sửa chữa kịp thời.
Bước 4: Kiểm tra tài liệu hồ sơ áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 của cơ sở.
Cơ sở cần đảm bảo chuẩn bị đầy đủ các đầu mục tài liệu sau để phục vụ cho việc kiểm tra:
- Kế hoạch ISO 22000, tài liệu liên quan đến ISO 22000 (Sổ tay ISO 22000).
- Thủ tục và các chỉ dẫn công việc.
- Bản mô tả sản phẩm.
- Các tài liệu về giám sát, kiểm tra, thử nghiệm, sửa chữa…
- Bảng hỏi kiểm định ISO 22000.
Bước 5: Đánh giá chính thức tài liệu.
Các văn bản, tài liệu về hệ thống quản lý ISO 22000 sẽ được đánh giá tính phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn liên quan. Cụ thể:
- Xem xét sự phù hợp với các yêu cầu vệ sinh.
- Việc thẩm tra và xác định các CCP (điểm kiểm soát tới hạn trong quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm).
- Các tài liệu, hồ sơ khác có liên quan.
Sau khi xem xét, đánh giá chính thức các tài liệu, hồ sơ, chuyên gia đánh giá sẽ làm báo cáo đánh giá về các văn bản tài liệu. Báo cáo đánh giá này sẽ được gửi cho cơ sở 01 bản. Cơ sở khi nhận được bản báo cáo đánh giá sẽ có trách nhiệm rà soát và khắc phục những thiếu sót trong hệ thống quản lý.
Bước 6: Kiểm tra, thẩm định tại thực địa.
Đoàn đánh giá sẽ đến kiểm tra và thẩm định tại thực địa, xem xét sự phù hợp của hồ sơ với thực tế. Từ đó, đưa ra những kiến nghị sửa chữa các điểm không phù hợp. Trong quá trình kiểm tra chứng nhận tại thực địa sẽ đồng thời xác định hiệu quả của hệ thống ISO 22000.
Vai trò của cơ sở trong giai đoạn này là thuyết minh về các ứng dụng thực tế của chương trình ISO 22000.
Kết thúc quá trình kiểm tra, đoàn đánh giá sẽ tổ chức một buổi họp. Lúc này, cơ sở sẽ có cơ hội trình bày ý kiến về kết quả kiểm tra.
Bước 7: Cấp giấy chứng nhận ISO 22000.
Tổ chức chứng nhận sẽ cấp bản dự thảo chứng nhận cho cơ sở. Nếu cơ sở đồng ý với dự thảo thì sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận ISO 22000 chính thức.
Bước 8: Đánh giá định kỳ hàng năm.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận ISO 22000, cơ sở phải đảm bảo quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng như chương trình, kế hoạch đã xây dựng. Tổ chức chứng nhận sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá định kỳ một lần/năm. Nếu cơ sở không đáp ứng việc đánh giá định kỳ hàng năm này thì Giấy chứng nhận ISO 22000 sẽ hết hiệu lực.

II. CHỨNG NHẬN ISO 22000 CÓ THAY THẾ ĐƯỢC GIẤY PHÉP AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM ?
Thời gian gần đây, Luật Ba Đình nhận được rất nhiều câu hỏi của Quý khách hàng liên quan đến nội dung này. Vậy, trên thực tế, giấy chứng nhận ISO 22000 có thể thay thế được giấy phép ATTP hay không? Loại giấy nào có giá trị pháp lý cao hơn?
1. Đánh giá chung về bản chất của hai loại giấy chứng nhận
Về bản chất, giấy chứng nhận ISO 22000 và giấy phép an toàn thực phẩm đều có chung một mục đích là nhằm đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
1.1. Giấy chứng nhận ISO 22000
Xét về mặt lý luận, tiêu chuẩn ISO 22000 do tổ chức quốc tế ban hành có tính phổ biến và được ghi nhận rộng rãi trên toàn cầu. Đây là một ưu thế cho cơ sở sản xuất khi làm việc với các đối tác nước ngoài. Bởi lẽ, các cá nhân, tổ chức nước ngoài không có sự hiểu biết đối với pháp luật Việt Nam nói chung và Luật an toàn thực phẩm của Việt Nam nói riêng. Do đó, họ chỉ đánh giá sự đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của một cơ sở sản xuất thực phẩm thông qua chứng nhận ISO 22000.
Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, chứng nhận ISO 22000 cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Chẳng hạn như việc đánh giá chứng nhận không thực hiện được theo đúng tiêu chuẩn ISO 22000 đặt ra.
1.2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Trong khi đó, giấy phép an toàn thực phẩm có ý nghĩa quan trọng dưới góc độ quản lý nhà nước. Bởi lẽ, nếu giấy chứng nhận ISO 22000 do các tổ chức chứng nhận đánh giá thực hiện thì việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Vậy nên, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã thông qua được kiểm tra, đánh giá của cơ quan nhà nước thì sẽ phần nào an tâm hơn trong quá trình hoạt động.
Về cơ bản, các tiêu chí đánh giá đối với an toàn vệ sinh thực phẩm cũng có sự tương đồng nhất định. Các tiêu chí thẩm định, kiểm tra của cơ quan nhà nước cũng được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn chung. Do đó, nếu các cơ sở đã đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì đều sẽ đủ điều kiện để được cấp giấy phép ATTP.
Như vậy, có thể nói rằng, giấy chứng nhận ISO 22000 và giấy phép ATTP có sự tương đồng nhất định về mặt giá trị pháp lý. Không có cơ sở khẳng định rằng loại giấy chứng nhận nào có giá trị cao hơn. Trên thực tế, hai loại giấy chứng nhận có sự hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
2. Giấy chứng nhận ISO 22000 có thể thay thế giấy phép ATTP không?
2.1. Quy định pháp luật hiện hành
Hiện nay, theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận sau đây sẽ không thuộc diện phải xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP:
- Thực hành sản xuất tốt (GMP)
- Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)
- Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000
- Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS)
- Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC)
- Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000)
Căn cứ theo quy định trên, nếu cơ sở đã có Giấy chứng nhận ISO 22000 sẽ không phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
2.2. Giấy chứng nhận ISO 22000 có thể thay thế giấy phép ATTP không?
Từ đây, có thể hiểu, Giấy chứng nhận ISO 22000 có giá trị tương đương với giấy phép ATTP. Nếu cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ISO 22000 thì cũng đồng nghĩa với việc đã đủ tiêu chuẩn để sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không cần tiến hành thêm thủ tục xin cấp giấy phép ATTP. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức cho cơ sở. Đồng thời, cũng góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất thực phẩm.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu cơ sở có đủ hai loại giấy chứng nhận trên thì sẽ là một thế mạnh vô cùng lớn cả về mặt pháp lý lẫn quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ nhất, cơ sở sẽ đảm bảo các điều kiện an toàn về thực phẩm. Khi đó, cơ sở đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quản lý nhà nước.
Thứ hai, cơ sở sẽ tạo sự tin tưởng cho các đối tác trong và ngoài nước. Bởi, một cơ sở đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn đánh giá trong nước cũng như quốc tế thì không còn nghi ngờ về chất lượng sản xuất thực phẩm.