Vi phạm quy định về thử việc là tình trạng khá phổ biến tại các đơn vị lao động. Hiện nay, nhiều đơn vị lao động hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng chính thức với NLĐ. Hành vi này giống như một con dao hai lưỡi. Một mặt giúp NSDLĐ tận dụng sức lao động giá rẻ. Thế nhưng mặt khác sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của đơn vị lao động. Bởi lẽ, việc hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Vậy hiện nay, pháp luật lao động quy định về vấn đề này như thế nào?
Sau đây, Luật Ba Đình xin phép chia sẻ câu chuyện của chị Lê Ngọc Thảo. Chị Thảo hiện đang thường trú tại địa bàn Thành phố Hà Nội.
1. Câu hỏi của khách hàng liên quan tới chủ đề “Hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng”
Chào Luật sư Luật Ba Đình!
Tôi là Lê Ngọc Thảo, 28 tuổi. Tôi vừa kết thúc thời gian thử việc 02 tháng tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ N. Trong thời gian thử việc, tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận được lời khen từ ban chuyên môn. Đến nay tôi đã kết thúc thời gian thử việc được 01 tuần. Tuy nhiên phía Công ty chưa đưa ra bất kì thông báo nào liên quan tới việc giao kết hợp đồng chính thức. Tôi có liên hệ nhưng phía Phòng Nhân sự đưa ra lí do đang sắp xếp nhân sự các bộ phận. Cho tới nay, họ vẫn chưa đưa ra phản hồi cụ thể.
Vậy Công ty đúng hay sai khi hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng với NLĐ? Tôi rất yêu thích công việc này và luôn cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất. Nhưng thái độ của Công ty đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của tôi.
Hy vọng được Luật sư tư vấn giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

2. Phần giải đáp của Luật sư Luật Ba Đình về nội dung “Hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng”
Cảm ơn chị Thảo đã gửi câu hỏi tới Luật Ba Đình! Liên quan tới quy định về thời gian thử việc và các vấn đề pháp lý xoay quanh, Luật Ba Đình xin phép được trả lời như sau:
2.1. Pháp luật quy định thế nào về thời hạn thử việc?
⇒ Căn cứ pháp lý: Điều 24, Điều 25 Bộ luật Lao động 2019.
Hiện nay, pháp luật lao động cho phép các bên được quyền thỏa thuận về thời gian thử việc. Thỏa thuận này sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc. Tuy nhiên, dù trao cho các bên trong quan hệ lao động quyền tự do thỏa thuận nhưng những thỏa thuận này vẫn phải đặt trong một khuôn khổ nhất định. Đồng thời phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
– Không quá 180 ngày. Thời hạn này áp dụng với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
– Không quá 60 ngày. Thời hạn này đặt ra đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
– Không quá 30 ngày. Mức thời hạn này dành cho công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
– Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Ngoài ra, đối với chế độ thử việc, cần lưu ý một số điểm sau đây:
Một là, chế độ thử việc không áp dụng đối với NLĐ giao kết HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng.
Hai là, chỉ được thử việc một lần đối với một công việc.
Vậy hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng có được không? Trách nhiệm của NSDLĐ trong trường hợp này được quy định thế nào?
2.2. Trách nhiệm của NSDLĐ khi kết thúc thử việc
⇒ Căn cứ pháp lý: Điều 27 Bộ luật Lao động 2019.
Pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm của NSDLĐ khi kết thúc thời gian thử việc. Theo đó, ngay sau khi NLĐ kết thúc giai đoạn thử việc, NSDLĐ phải thông báo kết quả thử việc cho NLĐ. Lúc này, có hai trường hợp có thể xảy ra như sau:
Một là, NLĐ thử việc đạt yêu cầu.
– NSDLĐ tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết (nếu thỏa thuận thử việc trong HĐLĐ).
– NSDLĐ giao kết HĐLĐ chính thức (nếu ban đầu hai bên giao kết hợp đồng thử việc).
Hai là, NLĐ thử việc không đạt yêu cầu. Trường hợp này, hai bên sẽ chấm dứt HĐLĐ đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Ngoài ra, mỗi bên đều có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết. Trong thời gian thử việc, hành vi này không cần báo trước và không phải bồi thường.

2.3. Hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng là đúng hay sai?
Căn cứ theo quy định trên, có thể thấy, tùy thuộc từng trường hợp nhất định mà NSDLĐ sẽ đưa ra quyết định có hay không việc ký hợp đồng chính thức với NLĐ. Theo đó:
– Nếu NLĐ thử việc đạt yêu cầu thì NSDLĐ phải tiến hành ký kết HĐLĐ chính thức với NLĐ. Trường hợp này, việc hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng là sai. Hành vi này xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Và hiển nhiên, NSDLĐ hoàn toàn có thể bị xử phạt.
– Ngược lại, nếu NLĐ thử việc không đạt yêu cầu thì hai bên sẽ chấm dứt hợp đồng thử việc đã giao kết. Lúc này, việc hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng là phù hợp với quy định.
Như vậy, để có thể đánh giá tính đúng đắn của việc có hay không vi phạm quy định về thử việc, NLĐ cần căn cứ vào kết quả thử việc. Kết quả này sẽ quyết định tính đúng sai của hành vi không ký HĐLĐ khi hết thời gian thử việc.
2.4. Chế tài liên quan đến vi phạm quy định về thử việc
⇒ Căn cứ pháp lý: Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Liên quan đến vi phạm quy định về thử việc, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm của từng hành vi mà pháp luật đặt ra các mức xử phạt như sau:
– Đối với hành vi không thông báo kết quả công việc NLĐ đã làm thử theo quy định của pháp luật: NSDLĐ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Đối với hành vi để NLĐ tiếp tục làm việc mà không giao kết HĐLĐ sau khi kết thúc thời gian thử việc: NSDLĐ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Bên cạnh hình thức phạt tiền, NSDLĐ còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, NSDLĐ buộc phải trả đủ tiền lương của công việc đó cho NLĐ. Đồng thời, NSDLĐ buộc phải giao kết HĐLĐ với NLĐ. Điều này nhằm bù đắp cho những quyền lợi mà NLĐ đáng lẽ được nhận nhưng bị ảnh hưởng do vi phạm từ phía NSDLĐ.

2.5. Tư vấn cụ thể cho khách hàng
Từ những phân tích trên đây, Luật Ba Đình xin gửi đến Quý khách hàng phương án tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo thông tin chị cung cấp thì hiện tại chúng tôi chưa nắm rõ chức danh công việc cụ thể của chị tại Công ty N. Do đó, chúng tôi chưa thể đánh giá liệu Công ty có đang vi phạm thời gian thử việc tối đa hay không. Tuy nhiên, chị có thể căn cứ vào tính chất công việc tại Công ty N cũng như nội dung pháp luật trên đây để bước đầu đánh giá vấn đề này.
Thứ hai, theo như trình bày, hiện tại chị đã kết thúc thời gian thử việc được một tuần. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa đưa ra bất kì thông báo nào về việc ký HĐLĐ chính thức. Có thể thấy, hành vi này của Công ty là không phù hợp với quy định pháp luật. Công ty phải có trách nhiệm thông báo kết quả thử việc cho chị và ký HĐLĐ chính thức nếu thử việc đạt yêu cầu.
Trong trường hợp này, chị cần trao đổi trực tiếp với Công ty. Từ đó, đưa ra phương án đảm bảo quyền và lợi ích của cả hai bên. Một là, Công ty phải có phản hồi cụ thể với chị. Nếu kết quả thử việc của chị đạt yêu cầu thì hai bên giao kết HĐLĐ. Hai là, chị có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đây là cơ chế để đảm bảo quyền lợi nếu Công ty không có thiện chí. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà Công ty N sẽ bị xem xét xử phạt hành chính theo quy định.
3. Dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí của Luật Ba Đình
Trên đây là tư vấn của Luật sư Luật Ba Đình liên quan tới nội dung “Hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng – Đúng sai thế nào?”. Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ tới số điện thoại tư vấn miễn phí của chúng tôi.