“Hợp đồng đào tạo nghề” không còn là khái niệm quá xa lạ khi mà nhu cầu học nghề, dạy nghề ngày càng trở nên phổ biến. Hiện nay, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lớp đào tạo nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp thường tổ chức đào tạo và giao kết hợp đồng đào tạo nghề, hợp đồng học nghề, hợp đồng dạy nghề với các cá nhân nhằm đáp ứng tốt nhất mục tiêu công việc đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên tham gia giao kết vẫn còn những băn khoăn, vướng mắc nhất định. Điều này có lẽ xuất phát từ việc tiếp cận quy phạm pháp luật điều chỉnh của các bên còn nhiều hạn chế.
Nhận thức được vấn đề này, Luật Ba Đình mong muốn chia sẻ với Quý khách hàng chủ đề “Hợp đồng đào tạo nghề (Hợp đồng học nghề – Dạy nghề) hiểu sao cho đúng?”.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG ĐÀO TẠO NGHỀ (Hợp đồng học nghề – Dạy nghề)
Hiện nay, hợp đồng đào tạo nghề được điều chỉnh bởi hai văn bản pháp luật chính:
– Bộ luật Lao động năm 2019.
– Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Cụ thể, hợp đồng đào tạo nghề được quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia giao kết hợp đồng mà còn góp phần đảm bảo các bên thực hiện đúng và đẩy đủ nội dung hợp đồng đào tạo nghề trên thực tế.
Cơ sở pháp lý quy định về hợp đồng đào tạo
II. CẦN PHÂN BIỆT HỢP ĐỒNG ĐÀO TẠO NGHỀ VỚI HỢP ĐỒNG THỬ VIỆC
Trên thực tế, vẫn còn tình trạng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sự nhầm lẫn giữa hợp đồng đào tạo nghề và hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, đây là hai loại hợp đồng khác nhau hoàn toàn cả về tên gọi lẫn bản chất. Có thể kể đến những điểm khác biệt như sau:
1. Về bản chất của hợp đồng
Hợp đồng đào tạo nghề
Hợp đồng thử việc
Căn cứ pháp lý:
– Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019.
– Khoản 1 Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Hợp đồng được kí kết trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Căn cứ pháp lý:
– Điều 24 Bộ luật Lao động 2019.
Hợp đồng được kí kết trong trường hợp người lao động tham gia thử việc tại đơn vị lao động với nội dung chính là các thỏa thuận về thời gian thử việc, công việc, quyền và nghĩa vụ của các bên.
2. Về nội dung của hợp đồng
Hợp đồng đào tạo nghề
Hợp đồng thử việc
Căn cứ pháp lý:
– Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019.
– Khoản 2 Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014.
Về cơ bản, hợp đồng bao gồm các nội dung sau:
– Nghề đào tạo hoặc các kĩ năng nghề đạt được.
– Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo.
– Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo.
– Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.
– Trách nhiệm của người sử dụng lao động.
– Trách nhiệm của người lao động.
Căn cứ pháp lý:
– Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019.
Hợp đồng bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
– Thời gian thử việc.
– Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động. Họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.
– Công việc và địa điểm làm việc.
– Mức lương theo công việc hoặc chức danh. Hình thức trả lương. Thời hạn trả lương. Phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
3. Về thời hạn của hợp đồng
Hợp đồng đào tạo nghề
Hợp đồng thử việc
Xuất phát từ bản chất của hợp đồng, pháp luật hiện nay không ấn định mức thời gian cụ thể đối với hợp đồng đào tạo nghề. Theo đó, các bên được phép tự do thỏa thuận về thời hạn hợp đồng sao cho phù hợp với nhu cầu của mình.
Căn cứ pháp lý: – Điều 25 Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, cho phép các bên được thỏa thuận thời gian thử việc tùy thuộc vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc. Tuy nhiên, chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
– Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
– Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
4. Về quy định tiền lương trong hợp đồng
Hợp đồng đào tạo nghề
Hợp đồng thử việc
Căn cứ pháp lý:
– Khoản 5 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019;
– Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014.
Trong thời gian thực hiện hợp đồng đào tạo, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
Lưu ý rằng, mức lương này không cần đáp ứng yêu cầu về mức lương tối thiểu vùng. Bởi lẽ, lúc này người lao động chưa phải là lao động chính thức của doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý: – Điều 26 Bộ luật Lao động 2019;
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Hợp đồng đào tạo có điểm gì khác biệt?
5. Về việc chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng đào tạo nghề
Hợp đồng thử việc
Căn cứ pháp lý: – Khoản 6 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019;
Hết thời hạn hợp đồng, hai bên phải ký kết HĐLĐ khi đủ các điều kiện theo quy định.
Căn cứ pháp lý: – Điều 27 Bộ luật Lao động 2019;
Hết thời hạn thử việc, người sử dụng lao động thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
– Thử việc đạt yêu cầu: người sử dụng lao động tiến hành giao kết HĐLĐ với người lao động. Nếu thỏa thuận thử việc trong HĐLĐ, hai bên tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết.
– Thử việc không đạt yêu cầu: hai bên chấm dứt HĐLĐ đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Ngoài ra, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
III. HỎI ĐÁP THỰC TIỄN LIÊN QUAN ĐẾN HỢP ĐỒNG ĐÀO TẠO NGHỀ (Hợp đồng học nghề – Dạy nghề)
Liên quan đến nội dung trên, Luật Ba Đình nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn từ khách hàng. Dưới đây, chúng tôi xin phép chia sẻ một số vấn đề nhận được nhiều quan tâm nhất.
1. Chào Luật sư Luật Ba Đình, tôi là Hoàng Minh Trang. Hiện tại, tôi chuẩn bị tiếp nhận vị trí công việc mới tại chi nhánh công ty. Tuy nhiên, trước khi chuyển công tác, tôi phải tham gia đào tạo tại đơn vị lao động. Trước đây tôi đã từng ký hợp đồng đào tạo nghề với công ty một lần. Vậy tôi muốn hỏi, liệu đơn vị lao động được ký hợp đồng đào tạo với người lao động tối đa bao nhiêu lần?
Đối với câu hỏi của chị Trang, Luật Ba Đình xin phép được trả lời như sau:
Trước hết, về bản chất, hợp đồng đào tạo được ký kết khi người lao động có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài. Mục đích chú yếu của việc đào tạo là phục vụ cho nhu cầu công việc của doanh nghiệp. Xuất phát từ lợi ích hai chiều, thông thường, việc tiến hành ký kết hợp đồng đào tạo đều dựa trên cơ sở đồng thuận của người lao động và người sử dụng lao động.
Với mục đích giao kết trên nên có thể thấy số lần ký kết hợp đồng đào tạo giữa các bên phụ thuộc vào nhu cầu phát sinh trên thực tế. Hiện nay, không có quy định cụ thể về số lần ký kết hợp đồng đào tạo. Thay vào đó, pháp luật cho phép các bên tự do thỏa thuận. Do đó, chị hoàn toàn có thể thoải mái giao kết hợp đồng đào tạo với công ty để đáp ứng tốt nhất mục tiêu công việc đặt ra.
2. Hy vọng được Luật sư Luật Ba Đình tư vấn, giải đáp. Tôi là Đỗ Nam Long, hiện tôi có một người con trai là cháu Minh, 19 tuổi. Cháu không muốn học đại học mà muốn học nghề để đi làm. Đơn vị tuyển dụng có yêu cầu cháu ký hợp đồng đào tạo nghề, sau này hoàn thành đào tạo sẽ làm việc chính thức. Tôi không biết liệu cháu có đủ điều kiện để giao kết hợp đồng đào tạo này hay chưa?
Cảm ơn chú Long đã gửi câu hỏi đến Luật sư Luật Ba Đình.
Hiện nay, pháp luật có quy định cụ thể về vấn đề học nghề, dạy nghề, đặc biệt là vấn đề đào tạo để làm việc cho NSDLĐ. Cụ thể, theo Điều 61 Bộ luật Lao động 2019, NSDLĐ tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, có thể thấy, việc đơn vị tuyển dụng yêu cầu cháu Minh giao kết hợp đồng đào tạo là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Đối với vấn đề chú băn khoăn là điều kiện tham gia ký kết hợp đồng của cháu Minh. Hiện nay, theo quy định, người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Hiện nay cháu Minh 19 tuổi, như vậy đã đủ tuổi tham gia giao kết hợp đồng đào tạo. Tuy nhiên, cháu cần khám sức khỏe để đánh giá có đủ điều kiện học nghề hay không. Ngoài ra, chú và cháu Minh trước khi ký kết hợp đồng cần xem xét kĩ các điều khoản trong hợp đồng. Điều này giúp đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp.
Hỏi – đáp thực tế về hợp đồng đào tạo
3. Thưa Luật sư, hiện nay tôi chuẩn bị tham gia học nghề tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, bên đào tạo chỉ giao kết hợp đồng đào tạo nghề (hợp đồng học nghề – hợp đồng dạy nghề) với tôi bằng lời nói. Tôi muốn họ cung cấp hợp đồng dưới dạng văn bản nhưng họ từ chối với lí do khóa đào tạo của tôi là ngắn hạn. Vậy tôi muốn hỏi Luật sư, hợp đồng bằng lời nói mà cơ sở này cung cấp có giá trị pháp lý hay không?
Hiện nay pháp luật quy định tương đối cụ thể đối với hình thức hợp đồng đào tạo nghề.
Trước hết, khoản 1 Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 có quy định: “Hợp đồng đào tạo là sự giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản”. Căn cứ quy định này, có thể hiểu, pháp luật chấp nhận cả hai hình thức hợp đồng dưới dạng lời nói hoặc văn bản. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản”. Dường như, pháp luật đã hướng các bên trong quan hệ hợp đồng bắt buộc giao kết dưới dạng văn bản.
Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi văn bản là cơ sở vững chắc đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Đặc biệt, đối với các trường hợp tham gia đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại tại nước ngoài thì văn bản chính là hình thức pháp lý bắt buộc. Như vậy, trong trường hợp này, anh/chị nên yêu cầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp hợp đồng đào tạo/hợp đồng học nghề/hợp đồng dạy nghề dưới hình thức văn bản để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình. Việc giao kết bằng văn bản giúp anh/chị nắm được một cách rõ ràng và chính xác nội dung của hợp đồng. Đồng thời, giúp anh/chị hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng.