Hợp đồng thử việc có phải đóng bảo hiểm không? Thời gian hợp đồng thử việc có phải đóng BHXH không? Pháp luật quy định về chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với NLĐ thử việc như thế nào? Đây đã và đang là những vướng mắc còn tồn tại trong quan hệ lao động. Thời gian gần đây, Luật Ba Đình nhận được rất nhiều câu hỏi của Quý khách hàng liên quan tới nội dung này.
Anh Trần Quang Minh có liên hệ tới số điện thoại tư vấn miễn phí của Luật Ba Đình.
“Chào Luật sư Luật Ba Đình! Tôi có một số thắc mắc mong được Luật sư tư vấn giải đáp. Hiện nay, tôi đang trong giai đoạn thử việc tại một công ty viễn thông. Hợp đồng thử việc giao kết với công ty có thời hạn 2 tháng. Vậy tôi muốn hỏi trong thời gian hợp đồng thử việc có phải đóng BHXH không? Nếu tôi không tham gia bảo hiểm thì có bị xử phạt hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư!”
1. Đối tượng nào bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội?
Căn cứ pháp lý:
⇒ Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
⇒ Điều 4 Quyết định số 959/QĐ-BHXH quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
Căn cứ theo quy định trên, có thể xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chủ thể sau đây:
1.1. Người lao động là công dân Việt Nam
– Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
– Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ 01/01/2018).
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức.
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (trường hợp BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân bàn giao cho BHXH các tỉnh).
– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất (thực hiện từ 01/01/2016).
– Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại khoản 4 Điều 123 Luật BHXH.

1.2. Người lao động là công dân nước ngoài
Những lao động này vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức:
– Giấy phép lao động
– Chứng chỉ hành nghề.
– Giấy phép hành nghề
Lao động nước ngoài có một trong ba giấy tờ trên do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Chế độ này thực hiện từ 01/01/2018.
1.3. Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc
Cụ thể, nhóm chủ thể này bao gồm các đối tượng sau đây:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.
– Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
– Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ.
Xét ba nhóm đối tượng trên, có thể thấy, NLĐ làm việc theo hợp đồng thử việc không được xếp vào nhóm đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc. Hiện nay, pháp luật chỉ mới quy định chủ thể làm việc theo HĐLĐ mới phải đóng BHXH. Và về cơ bản, HĐLĐ vẫn có sự khác biệt đáng kể so với hợp đồng thử việc.
2. Hợp đồng thử việc có phải đóng bảo hiểm không?
2.1. Các nội dung cơ bản của hợp đồng thử việc
Căn cứ pháp lý: ⇒ Điều 24 Bộ luật Lao động 2019.
Trên cơ sở nguyên tắc tự do, tự nguyện giao kết hợp đồng, pháp luật cho phép NSDLĐ và NLĐ được quyền thỏa thuận về các nội dung thử việc. Thỏa thuận thử việc này có thể ghi trong HĐLĐ hoặc hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, về cơ bản, hợp đồng thử việc vẫn phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên, địa chỉ của NSDLĐ. Họ tên, chức danh của người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ.
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết HĐLĐ bên phía NLĐ.
– Công việc và địa điểm làm việc.
– Mức lương theo công việc hoặc chức danh. Hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
– Trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ.
Có thể thấy, nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc có sự khác biệt với HĐLĐ. Theo đó, điều khoản về bảo hiểm xã hội không phải nội dung bắt buộc trong hợp đồng thử việc. Vậy hợp đồng thử việc có phải đóng bảo hiểm không?

2.2. Thời gian hợp đồng thử việc có phải đóng bảo hiểm không?
Từ những phân tích trên đây, có thể rút ra kết luận như sau:
Thời gian thử việc theo hợp đồng thử việc không thuộc trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc. Bởi lẽ, hợp đồng thử việc chưa phải là hợp đồng lao động. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, nội dung của hợp đồng thử việc cũng không bắt buộc phải có điều khoản về bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, có trường hợp nào ngoại lệ hay không?
Căn cứ pháp lý: ⇒ Mục 3 Công văn số 2447/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động – thương binh và xã hội hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thực hiện Luật BHXH.
Theo hướng dẫn tại Công văn, đối với NLĐ có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà HĐLĐ đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì NSDLĐ và NLĐ phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ.
Như vậy, thời gian thử việc phải đóng BHXH chỉ trong trường hợp thỏa thuận thử việc được ghi trong HĐLĐ. Đồng thời, HĐLĐ này cũng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng, NLĐ cũng cần cân nhắc kĩ lưỡng xem có nên thỏa thuận nội dung thử việc trong HĐLĐ hay không. Bởi việc ghi thời gian thử việc trong HĐLĐ hay hợp đồng thử việc có những ưu điểm và hạn chế nhất định.

3. Tư vấn cụ thể liên quan tới câu hỏi “Hợp đồng thử việc có phải đóng bảo hiểm không”
Theo như anh Minh đã trao đổi, hiện nay anh đang làm việc tại một công ty viễn thông dưới dạng hợp đồng thử việc có thời hạn 2 tháng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lao động làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Điều này cũng được khẳng định một lần nữa khi pháp luật lao động quy định BHXH không phải là một trong những điều khoản cơ bản của hợp đồng thử việc.
Như vậy, anh Minh không phải đóng BHXH trong thời gian thử việc. Vì anh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên việc anh không đóng BHXH cũng không bị xử phạt. Tuy nhiên, nếu anh ký HĐLĐ chính thức với công ty sau khi kết thúc thời gian thử việc thì lúc đó anh sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Khi đó, anh và công ty sẽ thỏa thuận nội dung BHXH trong HĐLĐ và công ty cũng sẽ có trách nhiệm đóng BHXH cho anh.
4. Dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí của Luật Ba Đình
Luật Ba Đình luôn hân hạnh là người bạn đồng hành cùng Quý khách hàng. Chúng tôi mong muốn có thể bên cạnh khách hàng để giải đáp kịp thời các vấn đề pháp lý còn nhiều vướng mắc. Đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi. Số điện thoại tư vấn miễn phí của Luật Ba Đình luôn hỗ trợ 24/7: