Nhượng quyền thương hiệu là một hình thức kinh doanh tương đối phổ biến hiện nay. Đặc biệt trong những năm gần đây, kinh doanh nhượng quyền thương hiệu trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại. Vậy kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là gì? Sức hút của kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đến từ đâu? Làm thế nào để tham gia kinh doanh nhượng quyền thương hiệu?
Ở bài viết này, Luật Ba Đình xin phép chia sẻ đến Quý khách hàng những vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến chủ đề “Kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là gì?”.
I. Kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là gì?
Để giúp Quý khách hàng có được hình dung ban đầu về kinh doanh nhượng quyền thương hiệu, Luật Ba Đình xin phép đưa ra một ví dụ điển hình về loại hình kinh doanh này.
Chắc hẳn chúng ta ai cũng đã ít nhiều từng nghe qua về thương hiệu Cà phê Trung Nguyên. Đây là một thương hiệu cà phê lâu đời tại Việt Nam. Thương hiệu Trung Nguyên có mặt trên thị trường từ những năm 1996. Tính đến hiện tại, thương hiệu này đã có mặt trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tại sao thương hiệu này lại lan rộng nhanh chóng như vậy? Thậm chí hiện nay, thương hiệu này còn xuất hiện ở cả các nước trên thế giới? Đó là việc mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu. Điều này thể hiện ở việc xuất hiện hàng trăm cửa hàng nhượng quyền mang thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Việc kinh doanh nhượng quyền thương hiệu này đã góp phần giới thiệu, quảng bá thương hiệu đến nhiều người tiêu dùng. Từ đó, thương hiệu có sự “đánh chiếm”, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Từ ví dụ trên, có thể hiểu một cách khái quát, kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là một hình thức kinh doanh mà ở đó, một cá nhân, tổ chức được quyền sử dụng thương hiệu/tên sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định để kinh doanh. Việc kinh doanh này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định gắn với điều kiện về tài chính là chi phí hoặc phân chia theo phần trăm doanh thu, lợi nhuận của cửa hàng.

II. Các loại hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là gì?
Về cơ bản, có thể chia kinh doanh nhượng quyền thương hiệu thành bốn loại. Cụ thể như sau:
Một là, nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện (full business format franchise).
Đây là hình thức nhượng quyền “trọn gói”. Đồng thời, cũng được đánh giá là có cấu trúc hoàn chỉnh và chặt chẽ nhất. Điều này thể hiện ở mức độ hợp tác và cam kết giữa hai bên nhượng và nhận. Bên nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận quyền nhận bốn mảng chính trong kinh doanh của mình. Cụ thể là:
– Hệ thống để vận hành kinh doanh.
– Bí quyết trong công nghệ sản xuất/kinh doanh.
– Hệ thống thương hiệu.
– Quyền quản lý sản phẩm/dịch vụ (sản xuất, tiếp thị,…).
Bên nhượng quyền sẽ cung cấp một kế hoạch đầy đủ và chi tiết về hầu hết mọi khía cạnh. Hợp đồng được ký sẽ có thời hạn từ 5 đến 30 năm, tùy theo tiềm lực công ty và chi phí có thể bỏ ra. Bên nhận quyền sẽ chịu hai khoản phí cơ bản là phí nhượng quyền ban đầu và phí hoạt động. Thông thường, bên nhượng quyền sẽ giúp bên nhận quyền trong chi phí thiết kế và trang trí cửa hàng, mua trang thiết bị, chi phí tiếp thị, quảng cáo, các khoản chênh lệch do mua nguyên vật liệu, hay chi phí tư vấn.
Hai là, nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện (non-business format franchise).
Mô hình này được hiểu là nhượng một mảng nào đó trong hoạt động kinh doanh của bên nhượng quyền. Chẳng hạn, nhượng quyền sản phẩm, chia sẻ công thức, mô hình tiếp thị, cung cấp quyền sử dụng hình ảnh thương hiệu. Có thể lấy ví dụ thực tế như Pepsi cấp phép cho các hãng áo phông in logo của mình. Hay hãng hoạt hình Disney cấp phép hình ảnh cho các sản phẩm đồ chơi, đồ gia dụng,…
Ở hình thức này, bên nhượng quyền không giám sát và can thiệp quá nhiều trong khâu vận hành cũng như sản xuất của bên nhận quyền. Bởi lẽ, các yếu tố cốt lõi không được nhượng quyền, do đó, đa phần bên nhượng quyền chỉ quan tâm đến thu nhập của việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ. Mục đích chính của hình thức này là mở rộng hệ thống phân phối nhằm gia tăng độ phủ của thương hiệu trên thị trường, tăng doanh thu và lợi thế cạnh tranh.
Ba là, nhượng quyền có tham gia quản lý (management franchise).
Về cơ bản, hình thức này xảy ra khi bên nhượng quyền cung cấp người quản lý và điều hành cho bên nhận quyền. Điều này nhằm giúp việc giám sát cũng như vận hành kinh doanh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người quản lý này sẽ không tham gia vào hoạt động hàng ngày của cơ sở mà chỉ giám sát toàn diện. Hình thức này phù hợp với các thương hiệu dịch vụ, yêu cầu cao về chất lượng liên quan đến nguồn nhân lực. Chẳng hạn như chuỗi nhà hàng khách sạn.
Bốn là, nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn (equity franchise).
Hình thức này được hiểu là bên nhượng quyền tham gia đầu tư một tỉ lệ vốn nhỏ dưới dạng liên doanh vào công ty nhận quyền để trực tiếp tham gia kiểm soát hệ thống. Điều này giúp bên nhượng quyền có tiếng nói trong việc kinh doanh của bên nhận. Đồng thời, có cơ hội tìm hiểu thêm về thị trường mình mới thâm nhập.
Như vậy, trên thực tế, tùy thuộc vào nhu cầu kinh doanh mà các bên có thể lựa chọn một trong bốn loại hình trên.
III. Những ưu điểm và nhược điểm của kinh doanh nhượng quyền thương hiệu
1. Ưu điểm của mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là gì?
Việc nở rộ của mô hình kinh doanh này xuất phát từ những ưu điểm nổi bật. Ta có thể dễ dàng thấy được một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, tiết kiệm thời gian định vị thương hiệu.
Thay vì dành thời gian, công sức xây dựng từ nền móng cho một thương hiệu hoàn toàn mới mà không biết liệu người tiêu dùng có đón nhận hay không thì việc kinh doanh theo mô hình nhượng quyền chính là giải pháp hữu hiệu. Bởi lẽ, thương hiệu được nhượng quyền thường là thương hiệu đã có sẵn lượng thị phần tiêu thụ ổn định trên thị trường. Do đó, bên nhận nhượng quyền chỉ cần tập trung đầu tư vào khâu vận hành kinh doanh để phát triển. Thời gian để xây dựng giá trị thương hiệu nền tảng gần như đã được tiết kiệm tối đa.
Thứ hai, quy trình được xây dựng bài bản và đảm bảo chất lượng.
Việc vận hành cơ sở nhượng quyền sẽ do bên nhượng quyền quy định. Đồng thời, phải gắn với thương hiệu sản phẩm, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Toàn bộ quy trình này đã được hệ thống hóa. Vì vậy, toàn bộ các cơ sở nhượng quyền sẽ được vận hành theo quy trình này. Điều này nhằm đảm bảo độ nhận diện của thương hiệu khi tiếp cận với người tiêu dùng.
Chẳng hạn, khi bạn bước vào cửa hàng cà phê Urban Station. Dù là ở cơ sở Phạm Ngọc Thạch hay cơ sở Tạ Quang Bửu thì bạn đều sẽ có một “cảm giác” như nhau. Điều này có được từ cách thức pha chế đồ uống giống nhau, menu đồ uống giống nhau. Hay sự đồng nhất trong cách thức bày trí không gian cũng như quy trình đào tạo nhân viên. Sự thống nhất này đảm bảo chất lượng của toàn bộ các chuỗi cửa hàng nhượng quyền. Do đó, lựa chọn kinh doanh nhượng quyền sẽ không mất thời gian để tính toán quy trình vận hành mà chỉ cần hoạt động theo tiêu chuẩn sẵn có.
Thứ ba, sự trợ giúp trong quá trình điều hành công việc kinh doanh.
Dù đã có một quy chuẩn vận hành nhất định, nhưng thực tế chắc hẳn sẽ có những vướng mắc phát sinh. Đây là một vấn đề mà bất kì chủ thể kinh doanh nào cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên, đối với nhượng quyền thương hiệu, bên nhận nhượng quyền sẽ có sự hỗ trợ đắc lực từ phía bên nhượng quyền trong suốt quá trình vận hành kinh doanh. Các vần đề liên quan đến chiến lược kinh doanh, đối tượng khách hàng tiếp cận, bày trí không gian hay thủ tục pháp lý vẫn sẽ có sự “kiểm soát” từ phía bên nhượng quyền. Điều này tạo sự tin cậy vững chắc cho những chủ thể lựa chọn mô hình kinh doanh này.
2. Nhược điểm của mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là gì?
Như một lẽ đương nhiên, đã là kinh doanh thì bất cứ mô hình nào cũng tồn tại những hạn chế và rủi ro nhất định. Đây là điều không thể tránh khỏi và kinh doanh nhượng quyền thương hiệu cũng không ngoại lệ.
Thứ nhất, hạn chế quyền điều hành hoạt động kinh doanh.
Mặt trái của những ưu thế mà bên nhận nhượng quyền có được từ mô hình kinh doanh này chính là sự giới hạn quyền. Bên nhận nhượng quyền sẽ chịu sự kiểm soát từ chủ sở hữu thương hiệu. Bởi lẽ, những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu đều sẽ gây tác động đến cả chuỗi nhượng quyền thương hiệu. Do đó, sự vận hành này vẫn sẽ trong một khuôn khổ nhất định. Và đương nhiên rằng, thương hiệu này vẫn sẽ thuộc sở hữu của bên nhượng quyền. Một khi bên nhận nhượng quyền thương hiệu không còn đáp ứng theo các quy chuẩn để tiến hành kinh doanh thương hiệu nhượng quyền thì hoàn toàn có khả năng sẽ chấm dứt hợp đồng nhượng quyền.
Thứ hai, tính cạnh tranh và khả năng rủi ro cao.
Khi tham gia vào mô hình nhượng quyền, bạn cần hiểu rõ một sự thật rằng, không chỉ có bạn lựa chọn loại hình kinh doanh này. Do đó, việc cạnh tranh gay gắt trong chuỗi là điều không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như có nhiều cửa hàng nhượng quyền đều nằm trên một con phố và tất cả đều phải đạt được chỉ tiêu doanh thu đã đề ra.
Ngoài ra, kinh doanh nhượng quyền thương hiệu cũng đối mặt với những rủi ro “trời ơi đất hỡi”. Nếu một cửa hàng nhượng quyền không đảm bảo chất lượng, ví dụ như đồ uống có côn trùng rơi vào, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thái độ nhân viên không tốt,… Hoàn toàn có khả năng cả chuỗi cửa hàng sẽ vấp phải sự gián đoạn kinh doanh. Điều này giống như câu nói “con sâu làm rầu nồi canh”. Người tiêu dùng sẽ đánh giá cả chuỗi cửa hàng nhượng quyền đều không đảm bảo chất lượng. Điều này kéo theo khả năng “tẩy chay” thương hiệu và ảnh hưởng hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, sự nhàm chán và thiếu tính sáng tạo.
Vấn đề này là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, toàn bộ chuỗi cửa hàng nhượng quyền đều phải tuân theo một quy trình chung đã được hệ thống hóa. Điều này ban đầu là một ưu thế vì khách hàng đã tiếp cận và bị thu hút bởi cách bày trí đó. Tuy nhiên, một thời gian sau, khi đã quá quen thuộc với cách bày trí này, và đi tới cửa hàng nào cũng lặp lại một motif này sẽ phần nào gây nên sự nhàm chán, đơn điệu. Lúc này, cửa hàng cần một sự thay đổi để đem đến cảm giác mới lạ hơn. Và dĩ nhiên, điều đó là không thể, vì tất cả các cửa hàng nhượng quyền đều phải theo quy chuẩn đã được “lập trình” sẵn.
IV. Một số lưu ý khi lựa chọn kinh doanh nhượng quyền thương hiệu
Khi nắm được đáp án cho câu hỏi kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là gì, chủ thể có nhu cầu kinh doanh mô hình này cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, chuẩn bị nguồn vốn.
Đây là vấn đề không chỉ đặt ra đối với kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Đối với bất kỳ loại hình kinh doanh nào, chủ thể kinh doanh đều cần có sự chuẩn bị nhất định về nguồn vốn. Để có thể duy trì hoạt động nhượng quyền thương hiệu, ngoài chi phí nhận nhượng quyền ban đầu, còn có các chi phí duy trì hợp đồng hàng tháng. Do đó, bên nhận nhượng quyền cần có sự tính toán một cách kỹ lưỡng các chi phí cố định hàng tháng. Đồng thời, cần tính đến các chi phí có thể phát sinh để tối thiểu hóa rủi ro kinh doanh.
Thứ hai, nghiên cứu tiềm năng phát triển của thương hiệu, xác định thị trường kinh doanh và tệp khách hàng.
Trước khi nhận nhượng quyền, một điều kiện tiên quyết mà bên nhận nhượng quyền cần lưu ý đó là nắm rõ các thông tin liên quan đến thương hiệu. Cần xác định rõ giá trị tiềm năng của thương hiệu, thị trường tiêu thụ. Thậm chí, phải tính toán khả năng mở rộng thị phần trong tương lai. Đây là những yếu tố quyết định đến việc liệu có hay chăng nên nhận nhượng quyền một thương hiệu nhất định.
Có thể lấy ví dụ, thương hiệu trà sữa Ding Tea. Hiện nay, việc nhận nhượng quyền thương hiệu này đã không còn là một lựa chọn hấp dẫn. Vì sao có thể nói như vậy? Bởi lẽ, hiện nay, hàng loạt các thương hiệu trà sữa mới xuất hiện với giá thành phải chăng. Bên cạnh đó, thị trường trà sữa gần như đã bão hòa, nhu cầu tiêu thụ giảm đáng kể. Do đó, việc “lấn sân” kinh doanh thương hiệu này đã không còn là lựa chọn “thông minh”.

Thứ ba, lựa chọn khu vực và địa điểm kinh doanh phù hợp.
Việc lựa chọn khu vực và địa điểm kinh doanh cần cân nhắc đến rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, đó phải là khu vực có sức tiêu thụ cao. Thêm nữa, đó còn phải là khu vực đáp ứng được các tiêu chí để vận hành kinh doanh. Chẳng hạn, địa điểm đó có đủ diện tích để bày trí giống như các cửa hàng nhượng quyền khác hay không? Địa điểm đó có phải khu vực tập trung tệp khách hàng của thương hiệu hay không? Việc lựa chọn địa điểm sai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu hàng tháng. Và đương nhiên, khả năng thu hồi vốn cũng không phải ngoại lệ. Do đó, bên nhận nhượng quyền cần lựa chọn thật sự kĩ càng.
V. Thủ tục kinh doanh nhượng quyền thương hiệu
1. Căn cứ pháp lý
⇒ Luật Thương mại 2005, sửa đổi bởi Luật Quản lý ngoại thương 2017.
⇒ Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại.
⇒ Nghị định 120/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại.
⇒ Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
2. Điều kiện kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là gì?
Thứ nhất, đối với bên nhượng quyền. Thương nhân được phép nhượng quyền thương hiệu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Một là, hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm.
Trường hợp thương nhân Việt Nam là bên nhận quyền sơ cấp từ bên nhượng quyền nước ngoài. Thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương hiệu ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương hiệu.
Hai là, đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu với cơ quan có thẩm quyền.
Ba là, hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh. Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.
Thứ hai, đối với bên nhận nhượng quyền. Thương nhân được phép nhận quyền thương hiệu khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương hiệu.
3. Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu
Làm thế nào để đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại? Trước hết, Quý khách hàng cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị bao gồm các giấy tờ sau đây:
Một là, đơn đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu. (Mẫu đơn được Bộ Công thương hướng dẫn chi tiết)
Hai là, bản giới thiệu về nhượng quyền thương hiệu theo mẫu do Bộ Công thương quy định.
Ba là, các văn bản xác nhận về:
– Tư cách pháp lý của bên dự kiến nhượng quyền thương hiệu.
– Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ.
Lưu ý: Nếu các giấy tờ trên thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Đồng thời, phải được cơ quan công chứng ở trong nước hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu
Bên dự kiến nhượng quyền thương hiệu có trách nhiệm đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu. Cụ thể hoạt động đăng ký tiến hành theo thủ tục sau đây:
Bước 1: Gửi hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu đến Bộ Công thương. Theo đó, Bộ thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu từ nước ngoài vào Việt Nam. Bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương hiệu từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan. Hoặc từ các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam.
Điện thoại tư vấn: 0988931100 – 0931781100 -(024)39761078
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu. Đồng thời, tiến hành thông báo bằng văn bản cho thương nhân về việc đăng ký đó.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản thông báo để Bên dự kiến nhượng quyền bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Lưu ý: Thời hạn trên không kể thời gian Bên dự kiến nhượng quyền sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương hiệu.
Bước 3: Sau khi hết thời hạn quy định mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối việc đăng ký thì phải thông báo bằng văn bản cho Bên dự kiến nhượng quyền và nêu rõ lý do.

VI. Dịch vụ tư vấn kinh doanh nhượng quyền thương hiệu do Luật Ba Đình cung cấp
Nhằm giúp Quý khách hàng trong quá trình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu, Luật Ba Đình đem đến dịch vụ hỗ trợ nhượng quyền thương hiệu. Cụ thể:
– Tư vấn tiềm năng kinh doanh của thương hiệu mà Quý khách hàng dự định nhận nhượng quyền.
– Tư vấn các thủ tục pháp lý liên quan đến việc kinh doanh nhượng quyền thương hiệu.
– Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương hiệu.
– Thực hiện thủ tục pháp lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu có bất cứ vấn đề thắc mắc nào xoay quanh chủ đề “Kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là gì”, Quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại tư vấn miễn phí của Luật Ba Đình.