Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa.
Quan hệ mua bán hàng hóa diễn ra rất phổ biến trong đời sống dân sự hàng ngày. Có nhiều những quan hệ mua bán hàng hóa số lượng ít, nhỏ lẻ, giá trị hàng hóa thấp. Trường hợp này không cần làm hợp đồng. Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp mua bán hàng hóa với số lượng lớn, giá trị hàng hóa cao. Trường hợp này cần phải có hợp đồng mua bán.
Việc lập hợp đồng mua bán hàng hóa bằng văn bản đôi khi pháp luật không bắt buộc song nó lại là căn cứ cần thiết để phòng tránh rủi ro hoặc khởi kiện trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Việc làm hợp đồng mua bán hàng hóa đúng mẫu đôi khi pháp luật cũng không quy định bắt buộc. Tuy nhiên, lập hợp đồng đúng mẫu sẽ đảm bảo các bên không bỏ sót các điều khoản căn bản, cần thiết của một bản hợp đồng. Trong bài viết này, Luật Ba Đình xây dựng và giới thiệu Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa thông dụng để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham khảo.
1. Một số hiểu biết quan trọng về hợp đồng mua bán hàng hóa trước khi đề cập đến mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa.
Trước khi quan tâm đến mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa, chúng tôi muốn cung cấp cho khách hàng nắm được những hiểu biết tổng quan, những khái niệm căn bản liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa. Điều này rất quan trọng và cần thiết. Nó giúp các chủ thể giao kết hợp đồng hiểu được bản chất pháp lý của hợp đồng chuẩn bị ký kết.
a) Phân loại Hợp đồng mua bán hàng hóa trên thực tế ?
* Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể.
Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa.
Hiểu đơn giản thế này: A bán hàng hóa cho B. Hai bên thống nhất sẽ làm hợp đồng với nhau. Trong hợp đồng sẽ quy định các nguyên tắc chung như:
- A bán hàng hóa gì cho B;
- Quyền và nghĩa vụ các bên;
- Thời hạn của hợp đồng;
- Số lượng, giá trị hàng hóa mua bán cụ thể sẽ theo từng lần đặt hàng hoặc có phụ lục kèm theo.
Đó chính là hợp đồng nguyên tắc.
Nói chung, Hợp đồng nguyên tắc chỉ quy định về những vấn đề chung chung chứ chưa quy định cụ thể về số lượng hàng hóa mau bán và giá trị cụ thể của hợp đồng.
Có thể nói, hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa được xem như một hợp đồng khung hay một biên bản ghi nhớ giữa các bên tham gia ký kết.
Tùy thuộc vào từng loại đối tượng, các điều khoản của Hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể sẽ được thiết lập cho phù hợp. Về cơ bản, nội dung điều khoản được xây dựng trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên không được trái với pháp luật.
Hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể.
Hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể sẽ thể hiện rõ số lượng, giá trị của hàng hóa mua bán cụ thể, số tiền thanh toán từng lần cụ thể. Ví dụ A và B ký hợp đồng mua bán 5 tấn hạt điều khô với giá trị hợp đồng 3 tỷ đồng.
* Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước và Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước.
Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước là hợp đồng:
- Chủ thể giao kết hợp đồng là các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong nước;
- Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa trong nước;
- Địa điểm giao kết, thực hiện hợp đồng trên lãnh thổ Việt Nam.
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Hợp đồng được coi là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi mang một trong các đặc điểm sau:
- Về chủ thể, hợp đồng được kí kết bởi các bên không cùng quốc tịch.
- Về đối tượng, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng đang tồn tại ở nước ngoài.
- Về địa điểm giao kết, hợp đồng được giao kết ở nước ngoài.
b) Những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.
Khi giao kết hợp đồng, ta luôn mong muốn hợp đồng đó sẽ được tiến hành một cách thuận lợi. Thế nhưng trên thực tế, bất cứ lúc nào cũng có thể phát sinh những vướng mắc nhất định mà ta không lường trước được. Vậy làm thế nào để hạn chế ở mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra? Trước hết, ngay từ khi giao kết hợp đồng, ta cần dự trù được những loại rủi ro nào có thể gặp phải.
Chủ thể tham gia ký kết hợp đồng:
Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp người xác lập hợp đồng là người không có thẩm quyền (chẳng hạn, không phải là người đại diện theo pháp luật, không được ủy quyền, hoặc vượt quá phạm vi được ủy quyền).
Đối tượng của hợp đồng:
trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thể tranh chấp về chất lượng hàng hóa không đúng như thỏa thuận, không đạt tiêu chuẩn, giao hàng không đồng bộ, không đủ số lượng…Những vi phạm về điều kiện giao hàng này hoàn toàn có thể dẫn đến hợp đồng bị hủy bỏ.
Hình thức hợp đồng:
Nhiều trường hợp hai bên xác lập hợp đồng không lập thành văn bản (đối với những hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật). Thêm nữa, việc hợp đồng không được công chứng, chứng thực chính là bước đầu tiềm ẩn những rủi ro pháp lý sau này.
Giá cả và phương thức thanh toán:
Trường hợp trong hợp đồng không có sự thỏa thuận rõ ràng, những rủi ro do sự biến động thị trường gây ra, rủi ro về đồng tiền làm phương thức thanh toán cũng như cách thức giao nhận tiền là không thể tránh khỏi.
Sự kiện bất khả kháng:
Đây hoàn toàn là những sự kiện xảy ra một cách khách quan không lường trước được. Tuy nhiên, việc không dự liệu được hết các trường hợp bất khả kháng trong điều khoản hợp đồng có thể khiến bên vi phạm lợi dụng sơ hở này để không thực hiện đúng hợp đồng.
Khả năng thanh toán của đối tác:
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có không ít tình huống một bên đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng, nhưng bên còn lại lại vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Điều này đã dẫn đến tình trạng nợ khó đòi, một rủi ro pháp lý khó giải quyết cho cá nhân và tổ chức.
Điều khoản giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại:
Việc không chú trọng đến vấn đề này ngay từ khi giao kết hợp đồng có thể dẫn đến khi có vi phạm phát sinh, các bên không đủ cơ sở để yêu cầu bồi thường cũng như kiện ra Tòa.
Thời điểm chuyển rủi ro:
Tùy vào việc các bên có đưa ra địa điểm giao hàng xác định hay không mà những rủi ro trong quá trình vận chuyển cũng như bảo quản hàng hóa (mất mát, hư hỏng) sẽ được chuyển cho bên bán hoặc bên mua.
Đặc biệt đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên tham gia giao kết dễ gặp phải các rủi ro đặc thù như xung đột pháp luật, quá trình vận chuyển, thanh toán, thực thi cam kết hợp đồng.
Hotline tư vấn mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa 0988931100
c) Để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra khi ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa
Sau khi dự tính được những rủi ro có thể xảy ra thì điều tiếp theo cần quan tâm đó là làm thế nào để phòng ngừa được những rủi ro đó.
Thứ nhất, Xác đinh chính xác chủ thể có thẩm quyền ký kết.
Khi ký kết hợp đồng, ta cần kiểm tra trong giấy ĐKKD của đối tác xem ai là người đại diện theo pháp luật. Trường hợp người ký không phải người đại diện theo pháp luật cần yêu cầu cung cấp văn bản ủy quyền để xác định về điều kiện ủy quyền cũng như phạm vi quyền của người ký.
Thứ hai, Quy định chi tiết về đối tượng của hợp đồng.
Khi soạn thảo các quy định về đối tượng hợp đồng, cần quy định một cách cụ thể và chi tiết về số lượng, các chỉ tiêu về chất lượng, kĩ thuật, tiêu chuẩn áp dụng, đơn vị tính để tránh các tranh chấp phát sinh.
Thứ ba, Điều khoản về giá.
Đối với những điều khoản về giá cả cũng như phương thức thanh toán, bên cạnh việc quy định chi tiết, rõ ràng cũng cần có sự linh hoạt để phù hợp với từng giao dịch.
Thứ tư, Thỏa thuận rõ về các trường hợp bất khả kháng.
Để tránh việc bên vi phạm lợi dụng sơ hở để không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ hợp đồng, cần thỏa thuận rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng. Chẳng hạn, do tự nhiên khách quan (lũ lụt, hạn hán, hỏa hoạn,…); do kinh tế – xã hội (chiến tranh, dịch bệnh, thay đổi chính sách, cấm vận,…); các yếu tố khác…
2. Pháp luật có quy định về mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa không ?
Thực tế không có một văn bản pháp luật nào quy định về mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, trong Bộ Luật Dân sự cũng như trong Luật thương mại đã có những quy định định về những điều khoản cơ bản cần phải có và các nguyên tắc chung đối với hợp đồng mua bán hàng hóa.
Pháp luật không quy định một form mẫu cụ thể nào bắt buộc các bên giao kết phải thực hiện theo. Điều này xuất phát từ nguyên tắc căn bản “việc dân sự cốt ở các bên”. Nhưng pháp luật lại quy định các điều khoản cần phải có khi xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi các bên. Nó cũng đảm bảo khi xảy ra tranh chấp, các cơ quan tài phán, Tòa án có căn cứ để giải quyết và đưa ra phán quyết.
3. Vậy mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa (hợp đồng đúng mẫu) cần có các điều khoản nào ?
Hợp đồng mua bán hàng hóa là một loại hợp đồng mua bán tài sản. Những nội dung, điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 cũng như Luật Thương Mại 2002.
Một hợp đồng mua bán hàng hóa nên có những điều khoản quy định các nội dung sau:
Thông tin về hàng hóa mua bán.
- Tên, chủng loại hàng hóa mua bán;
- Số lượng, chất lượng của hàng hóa mua bán;
- Chứng từ liên quan đến hàng hóa mua bán;
Vấn đề giao nhận hàng hóa.
- Kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng
- Địa điểm giao nhận hàng hóa;
- Phương thức giao hàng hóa;
- Thời hạn giao hàng;
- Giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận
- Trách nhiệm khi giao hàng có liên quan đến người vận chuyển
- Trách nhiệm do giao hàng hóa không đúng số lượng; chủng loại
- Trách nhiệm do giao vật không đồng bộ;
Chuyển rủi ro trong một số trường hợp.
- Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định
- Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định
- Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển
- Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển
- Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác
Quyền sở hữu hàng hóa.
- Thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hoá;
- Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hoá;
- Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá.
Hướng dẫn sử dụng, chế độ bảo hành (Nếu có).
- Nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng;
- Nghĩa vụ bảo hành;
- Quyền yêu cầu bảo hành;
- Sửa chữa vật trong thời hạn bảo hành;
- Bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành…
Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán.
Các chi phí liên quan.
- Chi phí vận chuyển ;
- chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu (nếu có).
Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán.
Trên đây là một số nội dung cần lưu ý đối với mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa.
Tùy từng chủng loại hàng hóa mà hợp đồng mua bán hàng hóa theo mẫu có thể có đầy đủ hoặc không đầy đủ những nội dung như trên. Các bên cũng có thể đưa thêm các điều khoản tùy ghi khác ngoài các nội dung trên. Tuy nhiên, các điều khoản đưa thêm không được trái pháp luật hoặc vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.
4. Giới thiệu mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa (tham khảo)
Luật Ba Đình đã xây dựng mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa. Mẫu hợp đồng này được xây dựng dựa trên sự hiểu biết và tổng hợp các quy định pháp luật liên quan.