Thử việc là giai đoạn mà đa số NLĐ từng trải qua ít nhất một lần. Giai đoạn này được thực hiện thông qua việc ký kết hợp đồng thử việc với đơn vị lao động. Có thể nói, thử việc giúp đảm bảo tốt nhất cho quá trình làm việc của NLĐ tại đơn vị lao động sau này. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều NLĐ còn băn khoăn trước yêu cầu phải giao kết hợp đồng thử việc. Điều này có lẽ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như sự chủ quan khi tham gia ký kết hợp đồng. Vậy làm thế nào để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của NLĐ? Xuất phát từ thực tiễn này, Luật Ba Đình mong muốn đem đến cho Quý khách hàng mẫu hợp đồng thử việc chuẩn theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Hiểu thế nào về hợp đồng thử việc?
Căn cứ pháp lý: ⇒ Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019.
Bộ luật Lao động 2019 không đưa ra khái niệm cụ thể về hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, pháp luật có quy định về vấn đề thử việc như sau: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc”.
Từ quy định trên, có thể hiểu, hợp đồng thử việc là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm thử, thời gian thử việc, quyền và nghĩa vụ của các bên, và một số nội dung khác liên quan.
2. Những lưu ý khi tiến hành giao kết hợp đồng thử việc
2.1. Về nội dung cơ bản của hợp đồng thử việc
Căn cứ pháp lý: ⇒ Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019.
Hợp đồng thử việc bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
– Thời gian thử việc.
– Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động. Họ tên, chức danh của người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ.
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết HĐLĐ bên phía NLĐ.
– Công việc và địa điểm làm việc.
– Mức lương theo công việc hoặc chức danh. Hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Ngoài những nội dung trên đây, các bên còn có thể tự do thỏa thuận các nội dung khác của hợp đồng thử việc. Miễn là những thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

2.2. Về thời hạn của hợp đồng thử việc
Căn cứ pháp lý: ⇒ Điều 25 Bộ luật Lao động 2019.
Pháp luật cho phép các bên được tự do thỏa thuận về thời gian thử việc. Tuy nhiên, thỏa thuận này phải căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc. Cụ thể như sau:
– Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
– Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, đối với một công việc chỉ được thử việc một lần.
2.3. Về điều khoản tiền lương đối với mẫu hợp đồng thử việc chuẩn
Căn cứ pháp lý: ⇒ Điều 26 Bộ luật Lao động 2019.
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, mức lương này ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Hiện nay, nhiều đơn vị tuyển dụng đưa ra mức lương thử việc với nhân viên chỉ rơi vào khoảng 70% – 75% mức lương chính thức của công việc đó. Do đó, NLĐ cần có sự hiểu biết pháp luật để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Thêm nữa, NLĐ cần xem xét kĩ lưỡng các điều khoản hợp đồng trước khi chính thức ký kết.
2.4. Về các chế độ áp dụng đối với người lao động trong thời gian thử việc
Căn cứ pháp lý:
⇒ Bộ luật Lao động 2019.
⇒ Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Tại giai đoạn thử việc, giữa NLĐ và NSDLĐ chưa chính thức xác lập quan hệ lao động. Tuy nhiên, lao động thử việc vẫn được hưởng một số chế độ tương tự như NLĐ chính thức.
Thứ nhất, về điều kiện lao động.
– Được đảm bảo thời gian làm việc bình thường không quá 08 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Thời gian làm thêm giờ không vượt quá mức quy định.
– Được đảm bảo thời gian nghỉ giữa ca ít nhất 30 phút liên tục (nếu làm việc ban ngày). Hoặc nghỉ ít nhất 45 phút liên tục (nếu làm việc ban đêm). Nếu NLĐ làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

– Thời gian thử việc được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm nếu NLĐ tiếp tục làm việc cho NSDLĐ sau khi hết thời gian thử việc.
– Tương tự chế độ của NLĐ chính thức, NLĐ thử việc trong các ngày lễ, tết cũng được nghỉ làm và hưởng lương theo mức đã thỏa thuận.
Thứ hai, về chế độ bảo hiểm. Theo quy định, bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng đối với NLĐ đã ký HĐLĐ có thời hạn từ 01 tháng trở lên. Vì vậy, nếu hai bên thỏa thuận thử việc nằm trong HĐLĐ thì NLĐ cũng sẽ được đóng bảo hiểm xã hội.
2.5. Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng theo chuẩn mẫu hợp đồng thử việc
Bên cạnh những nội dung đã đề cập trên đây, để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, NLĐ khi tham gia giao kết hợp đồng thử việc cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hiện nay, pháp luật không bắt buộc mỗi NLĐ đều phải ký kết hợp đồng thử việc trước khi làm việc chính thức tại đơn vị lao động. Do đó, việc giao kết hợp đồng thử việc là hoàn toàn tự nguyện, do NSDLĐ và NLĐ tự thỏa thuận.
Thứ hai, trước khi ký kết hợp đồng, NLĐ cần rà soát, kiểm tra kĩ nội dung các điều khoản trong hợp đồng. Cần đặc biệt lưu ý các điều khoản cơ bản (bắt buộc phải có) cũng như các điều khoản tùy nghi do hai bên tự thỏa thuận thêm. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của NLĐ cũng như đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng, tránh trường hợp vô hiệu hợp đồng do có nội dung không phù hợp quy định pháp luật.
Thứ ba, khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ có trách nhiệm thông báo kết quả thử việc cho NLĐ.
Nếu thử việc đạt yêu cầu, NSDLĐ phải giao kết HĐLĐ với NLĐ. Hoặc NSDLĐ tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết (trường hợp thỏa thuận thử việc trong HĐLĐ).
Nếu thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt HĐLĐ đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Ngoài ra, trong thời gian thử việc, mỗi bên cũng có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết. Việc hủy bỏ này không cần báo trước và không phải bồi thường.

3. Luật Ba Đình giới thiệu mẫu hợp đồng thử việc chuẩn 2021
Dưới đây, Luật Ba Đình xin giới thiệu tới Quý khách hàng mẫu hợp đồng chuẩn sử dụng trong các đơn vị lao động trên thực tế. Về cơ bản, bản chất của hợp đồng là dựa trên sự tự do thỏa thuận giữa các bên. Do đó, ngoài các nội dung chủ yếu theo quy định, các bên vẫn có thể đàm phán và đưa vào hợp đồng các nội dung khác tùy theo nhu cầu của mình. Miễn là nội dung thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật, không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội.
⇒ Quý khách hàng có thể tải Mẫu hợp đồng thử việc tại đây:
Mẫu hợp đồng thử việc theo chuẩn quy định pháp luật
Ngoài ra nếu Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên, đừng ngần ngại liên hệ với Luật Ba Đình để nhận được tư vấn miễn phí!