Hợp đồng hợp tác kinh doanh hiện nay ngày càng trở nên phổ biến trong kinh doanh thương mại. Mục đích chung mà các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng cùng hướng tới đó chính là:
- Kết hợp sức mạnh của nguồn vốn, tài sản
- Tận dụng công sức đóng góp, khoa học công nghệ và kinh nghiệm chung
- Cùng hưởng lợi nhuận khi thành công
- Chia sẻ rủi ro khi thất bại.
Vậy, bản chất của hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật là gì ?
Trình từ xác lập, thực hiện?
Hạn chế thấp nhất rủi ro khi thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Hãy cùng luật sư công ty luật Ba Đình tìm hiểu chi tiết.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Để hiểu quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh, cần bám sát vào các quy định trong bộ luật dân sự nói chung và luật đầu tư nói riêng.
Theo quy định của bộ luật dân sự 2015 (Điều 504):
Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.
Theo quy đinh của luật đầu tư 2014 (Khoản 9, điều 3)
“Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
Trình tự thỏa thuận, xác lập và thực hiện một hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng HTKD được gọi là các nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Hợp đồng HTKD có thể được ký kết giữa:
- Cá nhân với cá nhân
- Cá nhân với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
- Giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước với nhau
- Giữa cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trong nước với nước ngoài.
Dựa vào những nguyên tắc trong giao kết hợp đồng dân sự nói chung và trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh thương mại nói riêng. Để xác lập và thực hiện một hợp đồng hợp tác kinh doanh, các nhà đầu tư sẽ cần thực hiện các bước sau:
Đàm phán, thỏa thuận hợp tác kinh doanh
Xuất phát từ ý tưởng và mục đích chung. Các nhà đầu tư thấy cần kết hợp với nhau trong kinh doanh. Họ sẽ tìm đến nhau trong một cuộc đàm phán, thỏa thuận.
Việc đàm phán thỏa thuận có thể được tổ chức quy mô trong trường hợp các nhà đầu tư là các doanh nghiệp, tổ chức lớn. Họ có thể đã, đang và sẽ trở thành những đối tác chiến lược quan trọng trong kinh doanh thương mại.
Số điện thoại tư vấn miễn phí của Luật Ba Đình:
- Viettel: 0988931100
- Mobifone: 0931781100
- Máy bàn: 02439761078
Nhưng có thể, trong nhiều trường hợp, việc đàm phán thỏa thuận chỉ đơn giản là một buổi gặp mặt giữa hai cá nhân. Ở đó, họ cùng nhau bàn bạc về kế hoạch hợp tác trong làm ăn, kinh doanh.
Việc đàm phán, thỏa thuận có thể có biên bản làm việc ghi lại nội dung đàm phán. Hoặc cũng có thể đơn giản là việc trao đổi và thống nhất ý chí bằng lời nói.
Ký kết hợp đồng
Quay trở lại quy định của bộ luật dân sự. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản. Đây là lúc các bên ngồi lại, cụ thể hóa các nội dung đã đàm phán, thỏa thuận trước đó. Tất cả sẽ được cụ thể hóa bằng một văn bản có giá trị pháp lý, có đầy đủ thông tin các bên ký kết, quy định rõ quyền, nghĩa vụ các bên. Văn bản này được gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh. Khi các bên đã cùng nhau soạn thảo, thông qua và ký tên, đóng dấu vào hợp đồng HTKD thì đây sẽ là văn bản pháp lý quan trọng nhất. Nó sẽ là cơ sở cho việc triển khai thực hiện quá trình hợp tác kinh doanh cũng như giải quyết các tranh chấp nếu có phát sinh.
Triển khai thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh
Dựa trên hợp đồng đã ký, các bên thực hiện việc triển khai theo đúng các nội dung đã cam kết trong hợp đồng. Cụ thể hóa việc góp vốn, tài sản, công sức vào quá trình hợp tác theo đúng lộ trình, thời hạn đã ký kết trong hợp đồng.
Các bên đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và được hưởng đầy đủ các quyền của mình. Việc thực hiện hợp đồng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu ban đầu đã đề ra.
Các nhà đầu tư giao kết thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh sẽ không thành lập tổ chức kinh tế mới. Tuy nhiên, nếu hợp đồng được ký giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài thì cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Những rủi ro có thể gặp phải khi thỏa thuận và ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh
Rủi ro trong hợp đồng HTKD là điều mà các chủ thể tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng không lường trước được. Khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng, các bên có thể đã không hiểu hết bản chất pháp lý của sự hợp tác. Các bên cũng có thể không quy định cụ thể về các trường hợp, các tình huống có thể xảy ra trên thực tế. Điều này sẽ luôn tiềm ẩn rủi ro và những tranh chấp có thể phát sinh.
Rủi ro liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng:
Hợp đồng có thể vô hiệu do:
- Chủ thể ký hợp đồng là cá nhân không có năng lực hành vi dân sự
- Người đại diện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đứng ra ký hợp đồng không phải là người đại diện theo pháp luật. Họ cũng không phải là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng theo quy định của điều lệ, quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Hoặc họ đại diện ký hợp đồng HTKD vượt quá phạm vi được ủy quyền.
- Pháp nhân đã ngừng hoạt động vào thời điểm ký hợp đồng
Rủi ro liên quan đến hình thức của hợp đồng hợp tác kinh doanh:
- Các bên hợp đồng HTKD nhưng không lập thành văn bản theo quy định của pháp luật;
- Hợp đồng không được công chứng trong những trường hợp pháp luật bắt buộc phải công chứng.
Rủi ro liên quan đến nội dung của hợp đồng:
Nội dung của hợp đồng không quy định các điều khoản cơ bản và quan trọng như: Thời gian, tiến độ thực hiện, phương thức phân chia lợi nhuận, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên, điều kiện chấm dứt hợp đồng HTKD.
Làm thế nào để hạn chế rủi ro khi ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh
Qua việc phân tích một số rủi ro có thể gặp phải khi ký kết và thực hiện hợp đồng HTKD. Luật Ba Đình xin đưa ra một số lưu ý để hạn chế tới mức thấp nhất gủi ro có thể gặp phải khi giao kết hợp đồng đó là:
Lưu ý tư cách pháp lý của đối tác:
Kiểm tra thật kỹ tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, tổ chức là đối tác vào thời điểm ký hợp đồng để biết tình trạng tồn tại và hoạt động của đối tác thế nào.
Kiểm tra tư cách của người đại diện ký kết hợp đồng phía đối tác. Cần kiểm tra xem người ký hợp đồng có phải là người đại diện theo pháp luật đứng tên trên giấy đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động hay không hoặc có phải là người có thẩm quyền ký hợp đồng hay không.
Lưu ý một số nội dung hợp đồng:
Hợp đồng hợp tác kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Cần kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Bất động sản có thuộc diện thế chấp, kê biên hay không. Hợp đồng HTKD cần được công chứng, chứng thực.
Nếu hợp đồng HTKD liên quan đến việc góp vốn bằng tài sản. Cần kiểm tra các giấy tờ liên quan để chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của đối tác đối với tài sản góp vốn.
Trường hợp hợp đồng HTKD có liên quan đến dự án đầu tư. Xem xét thủ tục đăng ký đầu tư liệu có vướng mắc gì không. Nếu hợp tác liên quan đến dự án đầu tư đang triển khai, ngoài việc xem xét yếu tố hiệu quả dự án cũng cần kiểm tra xem dự án đầu tư đó có bị chậm tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp hay không. Dự án có vi phạm vấn đề gì theo quy định của luật đầu tư hay không…
Giới thiệu mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh mới nhất 2020
Luật Ba Đình giới thiệu mẫu hợp đồng HTKD. Mẫu hợp đồng đảm bảo cả về nội dung và hình thức. Các tổ chức, cá nhân có thể tải mẫu về, tham khảo và làm theo hướng dẫn.
Hãy bình luận để lại ý kiến dưới bài viết. Hãy giúp chúng tôi chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Luât Ba Đình trân trọng cảm ơn .
Số điện thoại tư vấn miễn phí của Luật Ba Đình:
- Viettel: 0988931100
- Mobifone: 0931781100
- Máy bàn: 02439761078