Mua bán hàng hóa là một giao dịch phổ biến trong dân sự và kinh doanh thương mại. Cá nhân mua hàng hóa nhỏ lẻ phục vụ mục đích tiêu dùng hàng ngày thì thường không cần lập hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, nếu hàng hóa được mua bán với số lượng lớn với mục đích kinh doanh, sinh lời thì các bên thường lập hợp đồng. Hàng hóa bao hàm rất nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ mua bán như số lượng, chất lượng, chủng loại, giao nhận, bảo hành; đăng ký quyền sở hữu. Vì vậy thực tiễn rất dễ dẫn đến việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Chính vì vậy, quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa thường dễ phát sinh tranh chấp. Cùng tìm hiểu nguyên nhân tranh chấp; một số loại tranh chấp điển hình; phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa qua nội dung cụ thể dưới đây.
I. NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.
Tranh chấp hợp đồng phát sinh khi có sự xung đột về lợi ích giữa các bên. Khi giao kết hợp đồng, các bên đều hướng tới những mục đích và lợi ích nhất định. Xung đột lợi ích phát sinh khi các bên không đạt được mục đích đặt ra khi ký kết hợp đồng. Tranh chấp sẽ xảy ra khi bên này thấy rằng lợi ích của mình bị ảnh hưởng là do lỗi của bên kia. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tranh chấp khi giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, khái quát lại, có thể chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn tới tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:
1.1 Do chủ thể không có quyền giao kết hợp đồng.
Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa chính là bên mua và bên bán. Thực tế có nhiều trường hợp bên bán hàng hóa không phải chủ sở hữu hàng hóa. Có thể lấy ví dụ A bán cho B chiếc xe máy của C. Hay nhân viên thủ kho bán hàng hóa, tài sản của công ty. Tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện khi có sự xuất hiện của chủ sở hữu thực sự của hàng hóa. Điều này có thể dẫn tới hợp đồng không thể thực hiện được. Bên mua đã thanh toán tiền nhưng không nhận được hàng hóa. Bên bán lại không trả lại số tiền đã nhận được cho bên mua dẫn đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Cũng có nhiều trường hợp bên mua hoặc bên bán là người chưa thành niên hoặc bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự vào thời điểm giao kết hợp đồng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa liên quan đến chủ thể giao kết.
1.2. Do hợp đồng quy định các điều khoản không rõ ràng dẫn đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Điều khoản trong hợp đồng quy đinh không rõ ràng cụ thể. Điều này có thể làm các bên hiểu sai hoặc hiểu chưa đầy đủ về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong hợp đồng. Việc quy định không rõ ràng cũng có thể dẫn tới các bên không biết xử lý thế nào khi có tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Một số ví dụ cho việc điều khoản quy định không rõ ràng như: Quy định về thời hạn thanh toán trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên lại không quy định rõ 30 ngày tính từ ngày nào. Nếu bên nào vi phạm sẽ phải bồi thường nhưng không quy định rõ mức bồi thường cụ thể. Hợp đồng không quy định trường hợp tai nạn, rủi ro, cháy nổ hàng hóa trên đường vận chuyển thì bên nào sẽ chịu trách nhiệm…
Hợp đồng soạn thảo không rõ ràng ngay từ đầu là nguyên nhân thường thấy dẫn đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
1.3. Do các bên vi phạm nghĩa vụ khi thực hiện hợp đồng.
Việc vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tranh chấp. Mức độ vi phạm có thể khác nhau. Có trường hợp vi phạm ít nghiêm trọng. Có trường hợp vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng. Quyền của bên này thường gắn với nghĩa vụ của bên kia. Do vậy dù ở mức độ nào thì một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên còn lại.
Những vi phạm nghĩa vụ điển hình như:
Vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Bên bán đã giao một phần hoặc toàn bộ hàng hóa nhưng bên mua không thanh toán. Hoặc bên mua có thanh toán nhưng thanh toán không đủ, không đúng thời điểm đã giao kết.
Vi phạm nghĩa vụ giao hàng. Bên mua đã thanh toán nhưng bên bán không giao hàng. Cũng có thể, bên bán giao hàng không đủ số lượng hoặc giao hàng chậm.
Vi phạm nghĩa vụ bảo hành. Trường hợp này đặt ra với những loại hàng hóa có thời gian bảo hành. Thời gian bảo hàng thường do nhà sản xuất đưa ra. Có thể bảo hành 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng…Điều khoản về bảo hành thường được ghi cụ thể trong hợp đồng. Tuy nhiên, khi hàng hóa hỏng hóc trong thời hạn còn bảo hành thì bên bán lại không thực hiện nghĩa vụ bảo hành như cam kết trong hợp đồng.
II. CÁC LOẠI TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA ĐIỂN HÌNH.
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường xảy ra với các nội dung tranh chấp như sau:
2.1. Tranh chấp khi 1 bên vi phạm nghĩa vụ giao hàng
Các bên thường tranh chấp khi một bên vi phạm nghĩa vụ giao hàng đã thỏa thuận. Giao sai số lượng hàng hóa, chất lượng hàng hóa không đúng, thời gian giao hàng quá lâu đều có thể dẫn đến tranh chấp.
Ví dụ: Bên A ký hợp đồng với bên B thỏa thuận mua 1000 laptop cũ. Yêu cầu của bên A tất cả đều là hàng chuẩn Nhật. Đến ngày giao hàng bên A từ chối nhận hàng với lý do bên B trộn hàng Trung Quốc vào lô hàng, yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Bên B cam kết sẽ hoàn tiền tương ứng số hàng bị giao sai nhưng bên A không đồng ý.
Để hạn chế tranh chấp này, ngay từ khi tham gia ký kết hợp đồng, các chủ thể phải đọc kỹ từng điều khoản trong hợp đồng. Đồng thời quy định rõ mức phạt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bên bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng.
2.2. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa do vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Trường hợp hợp đồng có quy định về nghĩa vụ thanh toán. Thì bên mua có trách nhiệm thanh toán theo đúng nội dung và thời hạn đã thỏa thuận. Các tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán thường phát sinh do bên mua thanh toán chậm, thanh toán sai số tiền cần thanh toán, thanh toán không đúng loại tiền quy định trên hợp đồng. Hoặc hợp đồng quy định phải thanh toán hoàn toàn bằng phương thức chuyển khoản thì lại thanh toán một nửa chuyển khoản, một nửa bằng tiền mặt.
Ví dụ: Chị Y đang có 1 shop mỹ phẩm ở Việt Nam đang muốn đa dạng hóa sản phẩm. Thông qua người quen biết được chị M vốn là đại lý mỹ phẩm rất uy tín ở bên Mỹ. Chị Y ký hợp đồng mua bán hàng hóa với chị M. Trong đó quy định tất cả số tiền phải thanh toán bằng đô la Mỹ. Lười đổi tiền nên chị Y thanh toán bằng tiền Việt. Chị M không chịu, cho rằng chị Y cố tình vi phạm hợp đồng nên không giao hàng nữa, trả lại tiền cho chị Y. Chị Y cho rằng chị M cố tình làm to chuyện, tiền nào cũng là tiền cả, nhận tiền rồi thì phải giao hàng.
2.3. Tranh chấp khi hợp đồng không thực hiện được
Khi ký kết hợp đồng thì bên mua cần cam kết chắc chắn thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó còn cần quy định rõ điều khoản bồi thường trong trường hợp bất khả kháng (bão, lũ, dịch bệnh, hỏa hoạn,… ). Nhằm giúp hai bên lường trước thiệt hại mà có phương án phòng tránh.
Ví dụ: 01/2020, Nhà thuốc X ký hợp đồng mua bán 120 thùng khẩu trang y tế với công ty sản xuất Y. Bên X đã đặt cọc trước 20% giá trị hàng hóa. Tuy nhiên sau đó dịch Covid-19 diễn ra khiến bên Y không có đủ nguyên liệu sản xuất khẩu trang. Do đó mà bên Y không có hàng để giao.
2.4. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa về thiệt hại đối với sản phẩm .
Trường hợp này xảy ra khi có thiệt hại đối với sản phẩm mà chưa được quy định trong hợp đồng. Hoặc đã có quy định trong hợp đồng nhưng lại không thực hiện các chế tài về phạt vi phạm đã thỏa thuận trong hợp đồng. Điều này dẫn đến thiệt hại, thậm chí liên đới tới bên thứ ba.
Ví dụ: Chị A có đặt hàng Xưởng may B 100 áo đồng phục cho nhân viên. Lượng vải trong kho không đủ lên đơn. Do đó xưởng B ký hợp đồng mua bán 20 cây vải cotton với Hợp tác xã C. Trên đường giao hàng xe chở hàng của bên C bị gặp tai nạn. Kết quả dẫn đến cháy mất hơn nửa số vải. Do không có vải may nên xưởng B phải đền bù hợp đồng cho chị A. Bên C cho rằng bên B phải cùng chịu thiệt hại với lý do xe đang trên đường giao hàng cho bên B. Bên B không chịu, cho rằng chưa nhận hàng thì trách nhiệm bảo quản tài sản là của bên C. Cuối cùng hai bên xảy ra tranh chấp.
Để tránh tranh chấp xảy ra các bên cần quy định rõ về trách nhiệm bảo quản tài sản và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Điều khoản quy định trách nhiệm của hai bên khi có thiệt hại liên quan đến hàng hóa. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng như: thiên tai, dịch bệnh, tai nạn,… Điều này sẽ giúp các bên biết cách xử lý khi có sự cố bất ngờ xảy ra.
III. PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Căn cứ quy định của Luật Thương mại năm 2005 về các hình thức giải quyết tranh chấp. Các bên có thể lựa chọn một trong các phương thức giải quyết tranh chấp như sau:
3.1 Thương lượng giữa các bên
Phương thức giải quyết thương lượng do các bên tự thỏa thuận. Đây là phương thức khi có tranh chấp xảy ra thường được lựa chọn. Nhưng kết quả giải quyết cũng do hai bên quyết định nên đôi khi không đảm bảo các thoả thuận được thực hiện.

3.2 Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Một trong những ưu điểm nổi bật khi lựa chọn phương thức này là các bên sẽ không bị gò bó, tiết kiệm về thời gian và chi phí. Bởi thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn và thời gian giải quyết tranh chấp bằng hoà giải chủ yếu phụ thuộc vào thoả thuận giữa các bên tranh chấp với hoà giải viên.
Các bên nên mời luật sư có kinh nghiệm tham gia. Với tư cách trung gian, Luật sư phân tích đúng, sai, ưu nhược điểm nếu các bên tiếp tục tranh chấp hoặc khởi kiện. Khi đạt được thỏa thuận, Luật sư sẽ soạn thảo văn bản thỏa thuận chặt chẽ làm căn cứ để các bên tiếp tục thực hiện.
3.3 Giải quyết tại Toà án
Trong trường hợp không thể thương lượng, hoà giải được. Một trong các bên có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết. Trình tự, thủ tục tuân theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Phương thức này có ưu điểm là thủ tục chặt chẽ, mang tính quyền lực nhà nước, có giá trị thi hành cao. Tuy nhiên, khi lựa chọn phương thức này, các bên tham gia cũng cần cân nhắc. Do chính vì thủ tục chặt chẽ nên thường tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, tính công khai nên có thể không đảm bảo được các bí mật kinh doanh, gây rủi ro lớn.
3.4 Giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Các bên còn có thể giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá bằng phương thức Trọng tài. Và phải có điều khoản trong hợp đồng quy định phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Phương thức này được tiến hành theo các quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
Ưu điểm của phương thức giải quyết bằng Trọng tài đó chính là tính bảo mật thông tin. Giải quyết bằng trọng tài tuân theo phương thức tự thỏa thuận. Doanh nghiệp được thỏa thuận về thời gian, địa điểm, trọng tài viên phù hợp, ngôn ngữ, luật giải quyết tranh chấp…
Khi giải quyết bằng phương thức Trọng tài thì có tính thi hành cao. Do quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài có một cấp xét xử và “Phán quyết trọng tài là chung thẩm”.
3.5. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
– Trường hợp hợp đồng không có yếu tố nước ngoài:
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài thương mại.
– Trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài:
Theo khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 464 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp xác lập.
Theo đó:
- Cần xem xét quy định của hiệp định tương trợ tư pháp. Tùy hiệp định tương trợ mà thẩm quyền giải quyết được xác định là Tòa án Việt Nam hay là nước bạn.
- Tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam. Căn cứ vào Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2015. Ví dụ, trường hợp bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam. Khi đó thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án Việt Nam.
- Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Theo Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đối với các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.
IV. DỊCH VỤ LUẬT SƯ TƯ VẤN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.

Vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa:
-
Tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng;
-
Tổ chức thương lượng, hòa giải các bên tranh chấp hợp đồng, đại diện thương lượng hòa giải cho khách hàng;
-
Trao đổi và hướng dẫn khách hàng thu thập tài liệu chứng cứ, cung cấp thông tin
-
Hỗ trợ tư vấn phòng ngừa tranh chấp, dự liệu rủi ro cho khách hàng.
Liên hệ 02439761078 Di động 0988931100
Hotline: 1900.088.800
Website: https://luatbadinh.vn/
Email: lienhe@luatbadinh.vn
Google map: https://goo.gl/maps/fq51mqzfypYaSs8S8