Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất hay tranh chấp đất đai thừa kế xảy ra rất phổ biến. Điều này được lý giải từ các nguyên nhân cơ bản như:
- Những vấn đề pháp lý xoay quanh thừa kế quyền sử dụng đất vô cùng phức tạp;
- Quyền sử dụng đất là thứ quyền lợi rất lớn về mặt lợi ích;
- Sự hiểu biết hạn chế về pháp luật thừa kế của đa phần những người trong cuộc.
Vậy, pháp luật quy định thế nào về thừa kế đất đai ? Có những tranh chấp điển hình nào liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất ? Đâu là nguyên nhân và hướng giải quyết tranh chấp thế nào ? Hãy cùng tìm hiểu nội dung cụ thể ngay dưới đây.
I. TÌM HIỂU VỀ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT.
Quyền sử dụng đất là một trong các quyền tài sản. Điều này được quy định tại Điều 115 BLDS 2015. Pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai cũng cho phép người sử dụng đất có thể thừa kế lại quyền sử dụng đất của mình. Chúng ta sẽ tìm hiểu về cơ sở pháp lý, điều kiện thừa kế quyền sử dụng đất, cũng như tìm hiểu vấn đề về tranh chấp đất đai thừa kế.
1. Cơ sở pháp lý về thừa kế quyền sử dụng đất.
Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định:
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Như vậy có thể thấy rằng người sử dụng đất được nhà nước trao quyền để lại thừa kế đối với quyền sử dụng đất.
Trong quan hệ pháp lý thừa kế quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất được coi là di sản thừa kế. Có thể hiểu thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết cho người được thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
2. Điều kiện nhận thừa kế quyền sử dụng đất.
Căn cứ theo Điều 188 Luật đất đai 2013 thì:
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
2.1 Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này.
Áp dụng với trường hợp lập di chúc có công chứng, chứng thực. Còn lại chỉ cần chứng minh nhà đất đó hợp pháp là có quyền chia thừa kế. Giấy chứng nhận ở đây là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Giấy chứng nhận có ý nghĩa bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
2.2 Đất không có tranh chấp.
Đất không có tranh chấp là đất mà tại thời điểm thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, các chủ thể sử dụng đất không có sự bất đồng với nhau trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với diện tích đất đó. Và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đó.
Khi thực hiện quyền thừa kế, người nhận thừa kế sẽ chứng minh đất không bị tranh chấp thông qua việc cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ hợp lệ có liên quan đến quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, về phía cơ quan Nhà nước khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất cũng có trách nhiệm kiểm tra tình trạng đất có bị tranh chấp hay không thông qua các giấy tờ, hồ sơ có liên quan.
2.3 Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án
Kê biên là biện pháp cưỡng chế nhà nước. Nhằm đảm bảo việc thi hành án trong lĩnh vực tư pháp. Khi chủ thể có nghĩa vụ về tài sản không tự nguyện thực hiện.
Khi quyền sử dụng đất bị kê biên thì người sử dụng đất bị hạn chế quyền thừa kế. Trường hợp sau khi đã giải tỏa kê biên thì quyền thừa kế đối với quyền sử dụng đất vẫn tiếp tục được thực hiện.
2.4 Trong thời hạn sử dụng đất.
Thời hạn sử dụng đất là khoảng thời gian mà Người sử dụng đất được phép sử dụng đất. Việc xác định thời hạn sử dụng đất căn cứ theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ có liên quan. Người nhận thừa kế sẽ có quyền sử dụng đất trong thời hạn còn lại.
Ngoài ra, việc thừa kế quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
3. Vấn đề tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất – Tranh chấp đất đai thừa kế.
Quyền sử dụng đất là quyền tài sản vì nó định giá được bằng tiền. Thường thì nó được định giá bằng số tiền lớn khi mua bán, chuyển nhượng. Nếu không mua bán, chuyển nhượng thì nó cũng có giá trị và lợi ích sử dụng rất lớn. Chính vì lợi ích to lớn của loại di sản này mà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tranh chấp.
Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thường phát sinh giữa những người đồng thừa kế. Những người này lại thường có quan hệ gia đình, huyết thống. Trên thực tế đã có không ít những sự việc đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến tranh chấp đất đai thừa kế. Đã có nhiều trường hợp xảy ra án mạng mà hung thủ và nạn nhân là anh em ruột thịt thậm chí bố con. Để hạn chế những sự việc đáng tiếc như vậy, khi có tranh chấp xảy ra cần có hướng giải quyết theo quy định pháp luật.
II. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THỪA KẾ – TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT.
Ví dụ: Bà N có hai người con trai là A, B và 1 người con gái là C đã lập gia đình. Bà N làm kinh doanh nên cũng tích góp được nhiều của cải đất đai, trong đó có 1 mảnh đất rất đẹp ở huyện D hiện đang cho thuê. Bà N dự định lập di chúc chia đều của cải cho 3 con. Trong đó mảnh đất ở huyện D chia cho con gái là chị C. Không đồng tình với cách chia của mẹ nên hai anh A, B nảy sinh mâu thuẫn với chị C. Họ lý luận là chị C đã đi lấy chồng thì không cần phải chia đất cho. Thay vào đó mảnh đất ở huyện D nên chia đều cho hai anh em. Chị C không cho là đúng nên đưa đơn kiện ra tòa.
1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.

Theo khoản 5 điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
Những tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Cụ thể, với tranh chấp thừa kế đất đai thì tòa án có thẩm quyền giải quyết là nơi phần đất đó tọa lạc.
Trong trường hợp trên thì tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân huyện D.
2. Thời hiệu giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế.
Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế (tranh chấp về yêu cầu chia di sản) đối với bất động sản là 30 năm. Không phân biệt bất động sản là quyền sử dụng đất hay tài sản khác cùng là bất động sản.
3. Trình tự giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.

Trường hợp ví dụ đã nêu thì sẽ giải quyết như sau:
* Hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp thừa kế:
Nguyên đơn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ khởi kiện tranh chấp thừa kế gồm những hồ sơ, tài liệu sau:
– Đơn khởi kiện gồm những nội dung được quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
– Bản sao chứng minh thư nhân dân
– Bản sao sổ hộ khẩu
– Bản sao giấy đăng ký kết hôn
– Bản sao di chúc
– Các chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp
* Trình tự giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai:
– Bước 1: Nguyên đơn nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Có thể nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện. Trường hợp này chị C sẽ nộp đơn lên Tòa án nhân dân huyện D.
– Bước 2: Tòa án yêu cầu nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí và tiến hành thụ lý giải quyết
– Bước 3: Tòa án tiến hành giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trong đó Tòa án sẽ tiến hành hòa giải cho các bên, yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ liên quan đến vụ việc,…
III. LÀM SAO ĐỂ HẠN CHẾ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THỪA KẾ ?
Tình trạng tranh chấp đất đai thừa kế diễn ra ngày càng nhiều, kéo dài phức tạp khó giải quyết. Thậm chí giải quyết xong còn khiến các mối quan hệ gia đình rạn nứt. Do đó, chúng ta cần có các biện pháp phòng ngừa thích hợp như:
- Cho, tặng đất đai phải có sự thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản, không thỏa thuận miệng;
- Làm di chúc sớm, chia tài sản cho ai, bao nhiêu phải ghi rõ;
- Quy định rõ nghĩa vụ của người nhận di sản: thờ cúng, chăm sóc người yếu. Ví dụ: nhận nhà thờ thì phải có nghĩa vụ thờ cúng.
IV. LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT.

Vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất:
– Tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng;
– Tổ chức thương lượng, hòa giải các bên tranh chấp hợp đồng, đại diện thương lượng hòa giải cho khách hàng;
– Trao đổi và hướng dẫn khách hàng thu thập tài liệu chứng cứ, cung cấp thông tin
– Hỗ trợ tư vấn phòng ngừa tranh chấp, dự liệu rủi ro cho khách hàng.
Liên hệ 02439761078 Di động 0988931100
Hotline: 1900.088.800
Website: https://luatbadinh.vn/
Email: lienhe@luatbadinh.vn
Google map: https://goo.gl/maps/fq51mqzfypYaSs8S8